(HNM) - Hà Nội đang rất tích cực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp và gặt hái nhiều
Sau hơn 20 năm xây dựng, nhiều khu công nghiệp như Khu công nghiệp Thăng Long, Khu công nghiệp Sài Đồng, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất có hiệu quả, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhiều khu công nghiệp phải mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp, khu công nghệ cao với diện tích khoảng 6.693ha. Và ở thời điểm này Hà Nội đã phát triển được 19 khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng diện tích 4.121,2ha. Như vậy, "dư địa" cho phát triển các khu công nghiệp còn khá lớn. Nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt như Khu công nghiệp Quang Minh khoảng 13ha; Khu công nghiệp Phú Nghĩa khoảng 25ha; Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội khoảng 36ha... đang trải thảm chào đón nhà đầu tư.
Thời gian qua, thành phố cũng rất nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thêm sức hút các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, ngoài việc phát triển hạ tầng, các cơ quan chức năng thành phố luôn chủ động đối thoại, giúp doanh nghiệp hiểu rõ cơ chế, chính sách của nhà nước và thành phố nói riêng, giải quyết, hỗ trợ xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Cụ thể, những vấn đề được doanh nghiệp quan tâm thời gian qua là xây dựng chính sách ưu đãi trong lĩnh vực thuế, tín dụng; tạo điều kiện, ưu tiên giải quyết nhanh nhất về thủ tục đối với dự án trọng điểm, cấp bách… đã và đang được tích cực giải quyết, tháo gỡ.
Phát triển các khu, cụm công nghiệp giúp các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất thuận lợi, tạo việc làm cho người lao động không chỉ ở Thủ đô mà nhiều tỉnh, thành phố khác. Ở chiều ngược lại, phát triển khu, cụm công nghiệp còn giúp công tác quản lý, đặc biệt là về môi trường, thuế, các vấn đề về an sinh xã hội thuận lợi hơn.
Việc phát triển sản xuất tự phát, không theo quy hoạch khiến nhiều địa phương và người dân phải gánh chịu những hậu quả không biết khi nào mới có thể xử lý dứt điểm do ô nhiễm môi trường. Điều này thể hiện rõ nhất trong vấn đề ô nhiễm làng nghề. Vì vậy, việc xây dựng được những quy định chặt chẽ không chỉ tạo công bằng cho doanh nghiệp mà để doanh nghiệp ý thức hơn chung tay cùng thành phố phát triển công nghiệp bền vững. Với đặc thù phát triển, có nhiều trường đại học, chất lượng lao động cao hơn nhiều địa phương khác, Hà Nội luôn khẳng định quan điểm kêu gọi, ưu tiên các dự án, trung tâm công nghệ, kỹ thuật cao, thành phố thông minh, hạn chế tối đa tác động đến môi trường, kiên quyết nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và tài nguyên. Thành phố Hà Nội cũng rất kiên trì và linh hoạt trong định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp mới phát triển theo hướng chuyên ngành và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, vừa có nhà máy sản xuất sản phẩm cuối cùng, vừa có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Năm 2017, Thủ đô Hà Nội khẳng định rõ hơn quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho mục tiêu phát triển. Điều đó được thể hiện qua những hành động và kết quả rất cụ thể trong thu hút đầu tư vào thành phố, đặc biệt là những thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết với các đối tác tại Nhật Bản mới đây. Với "dư địa" nêu trên cộng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực, cơ hội đã, đang thực sự mở ra không chỉ với doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn với sự phát triển của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.