Thầy trò HLV Toshiya Miura phải thắng đậm ở lượt cuối bảng I để nuôi hy vọng trở thành một trong năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, qua đó giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á.
Thua Olympic Nhật Bản 0-2 hôm qua 29/3, Olympic Việt Nam gần như không còn cơ hội đứng đầu bảng I, vòng loại U23 châu Á. Vị trí thứ hai nằm chắc trong tay thầy trò HLV Miura, nếu họ hạ Olympic Macau trong trận cuối ngày 31/3. Nhưng để giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á ở Qatar sang năm, Olympic Việt Nam cần vào nhóm năm đội có thành tích tốt nhất trong số 10 đội nhì bảng.
Đội hình Olympic Việt Nam trận gặp Nhật Bản. Ảnh: Đức Đồng. |
Nhìn vào bảng so sánh hiện tại giữa các đội nhì bảng, Olympic Việt Nam đang xếp cuối, vị trí thứ chín trong chín đội (bảng B chưa thi đấu trận nào). Thầy trò HLV Miura hiện có ba điểm sau hai trận, kém tất cả các đội: Oman (7 điểm), Ả-rập Xê-út (7), Yemen (6), Uzbekistan (6), Myanmar (6), Thái Lan (6), Indonesia (6), Lào (4).
Cửa đi tiếp nhìn có vẻ không khả thi, nhưng thực tế Olympic Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội.
Ở vòng loại, ba trong số 10 bảng đấu có năm đội tham dự là bảng A, B, C. Các bảng còn lại có bốn đội. Vì những đội này chơi nhiều hơn các bảng khác một trận nên để công bằng khi so sánh giữa các bảng, kết quả thi đấu giữa đội nhì bảng và đội chót bảng sẽ không tính.
Ví dụ ở bảng A hiện tại, Oman đang xếp thứ hai với bảy điểm. Trận cuối vào ngày 31/3, Oman sẽ gặp Iraq (đội có chín điểm). Nếu không thể thắng Iraq, Oman tối đa chỉ có tám điểm, đứng thứ hai bảng đấu. Vì bảng A có năm đội nên kết quả Oman thắng đội bét bảng Maldives 5-0 không được tính. Khi đó Oman chỉ còn năm điểm, và sẽ xếp sau nếu Việt Nam thắng Macau (khi đó có sáu điểm). Trong trường hợp Oman thắng, Iraq sẽ bị trừ xuống sáu điểm bằng Việt Nam và sẽ xét hiệu số. Iraq hiện có hiệu số +11.
Bảng C cũng tương tự. Ả-rập Xê-út có bảy điểm, trận cuối gặp đội đầu bảng cũng là nước chủ nhà là Iran (chín điểm). Nếu không thắng Iran, Ả-rập Xê-út cũng chỉ có tối đa là năm điểm sau khi trừ đi ba điểm vì thắng đội chót bảng Nepal. Điều này nhiều khả năng xảy ra vì Iran là đội chủ nhà và thực lực mạnh hơn. Khi đó, Ả-rập Xê-út cũng thua Olympic Việt Nam.
Ở bảng J, Olympic Lào có bốn điểm nhưng trận cuối gặp Olympic Trung Quốc. Lào khó lòng thắng đối thủ mạnh nên nhiều khả năng xếp sau Việt Nam.
Tình hình phức tạp hơn với năm bảng gồm D, E, F, G, H. Cả hai đội nhất bảng của năm bảng này đều đang có sáu điểm và sẽ gặp nhau ở trận cuối cùng. Nếu năm cặp đấu này đều có kết quả hòa, họ sẽ dắt tay nhau cùng đến Qatar. Nhưng điều này cũng khó xảy ra, vì thực lực giữa hai đội đầu bảng có sự chênh lệch lớn.
Ở bảng D, UAE là đội chủ nhà, thực lực mạnh hơn Yemen (hiệu số +6) rất nhiều nên khó có kết quả hòa. Tại bảng E, Syria (hiệu số +8) và Uzbekistan (hiệu số +6) kết quả khó đoán. Ở bảng F, Australia vượt trội so với Myanmar (hiệu số +4). Trong khi đó, tại bảng bảng G, Triều Tiên (hiệu số +7) và Thái Lan (hiệu số +5), kết quả khó đoán. Thái Lan có lợi thế sân nhà. Ở bảng H, Hàn Quốc vượt trội so với Indonesia (hiệu số +6).
Cửa đi tiếp nào cho Olympic Việt Nam? Dựa vào tình hình trên, sau khi lượt cuối kết thúc, Olympic Việt Nam có thể xếp trên Lào, Oman, Ả-rập Xê-út nhờ hơn điểm.
Trường hợp Myanmar, Indonesia, Yemen để thua trận cuối, Olympic Việt Nam (hiệu số -1) cần thắng Macau ít nhất 7 bàn mới hơn được ba đội này.
Không loại trừ trường hợp các đội được đánh giá thấp như Indonesia, Myanmar... sẽ chơi tử thủ ở lượt cuối để có bảy điểm, chắc chắn đi tiếp.
Rõ ràng, cơ hội vào vòng trong vẫn còn mở cho Olympic Việt Nam dù rất khó khăn. Nhiệm vụ thầy trò Miura lúc này là lên phương án tấn công hữu hiệu, cố gắng ghi thật nhiều bàn vào lưới Olympic Macau vào ngày mai và chờ đợi tin vui.
Các đội nhất và nhì bảng, vòng loại U23 châu Á
|
* Các trận quyết định đều diễn ra ngày 31/3, theo giờ Hà Nội
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.