Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội luôn xuất hiện ngay trong khó khăn

Hương Trà| 07/05/2020 11:23

(HNMCT) - Văn hóa - nghệ thuật luôn là chỗ dựa tinh thần cho con người trong những lúc khó khăn, nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm trước tác động của ngoại cảnh, đơn cử như đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra. Vậy đâu là những giải pháp có thể giúp các nghệ sĩ vượt qua được giai đoạn khó khăn như hiện nay? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, hiện nay công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới: Dài hơi, căn cơ song hành cùng với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vậy trong giai đoạn này, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có đặc điểm gì khác so với giai đoạn trước?

- Như hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã, đang phải chịu tác động lớn về nhiều mặt. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, điều đó được phản ánh rõ rệt qua tình trạng đóng cửa, dừng hoạt động ở các thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng...

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, dự án làm phim hay chiếu phim, liên hoan, triển lãm nghệ thuật... bị hủy hoặc tạm dừng; các chương trình/khóa đào tạo về văn hóa, nghệ thuật bị hoãn hoặc hủy; nghệ sĩ, nhà làm phim, giám tuyển, chuyên gia văn hóa, các cá nhân thực hành văn hóa và nghệ thuật, giảng viên... bị cắt giảm lương/thù lao hoặc thậm chí phải nghỉ việc. Sự bùng nổ của đại dịch cho tới thời điểm này đã vượt qua mức khủng hoảng thông thường, đặt toàn bộ các tổ chức văn hóa, nghệ thuật lớn nhỏ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, vốn đã gặp nhiều khó khăn, trước tình trạng mang tính sống còn.

Dẫu tình hình hiện nay đã có đôi chút khả quan, nhưng thực tế cho thấy chúng ta có thể vẫn phải sống chung với dịch bệnh trong một thời gian dài, vì vậy, việc chuyển sang giai đoạn mới, ở “trạng thái bình thường mới” buộc chúng ta phải có cách thức hoạt động khác hơn trước trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn mới, mọi hoạt động phải được tổ chức trên cơ sở bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Các nguyên tắc, quy định về phòng, chống dịch Covid-19 phải được tuân thủ, đáp ứng yêu cầu về giãn cách xã hội, vệ sinh dịch tễ.

- Trong giai đoạn này, các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật nên xác định hướng hoạt động như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất, thưa ông?

- Giai đoạn sắp tới sẽ rất khác với những gì chúng ta đã biết, đã có kinh nghiệm, vì thế các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không phải là không có cơ hội. Tôi cho rằng, để vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới đây, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ sẽ phải nghĩ nhiều hơn đến cách chuyển đổi mô hình hoạt động sang nền tảng trực tuyến, tinh giản nhân lực và tối đa hóa nguồn lực, xây dựng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mới phù hợp với bối cảnh dịch bệnh cũng như nuôi dưỡng khán giả để chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động bình thường hoàn toàn. 

- Sự phục hồi của văn hóa - nghệ thuật sau dịch được đánh giá là sẽ có độ trễ. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Tôi có kinh nghiệm rằng văn hóa - nghệ thuật luôn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng trong các cuộc khủng hoảng. Quy luật này chắc sẽ không thay đổi trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Khi đã nắm được quy luật, chúng ta cần chủ động hơn trong hành động. Cơ hội luôn xuất hiện trong khó khăn. Nhờ giãn cách xã hội, chúng ta có một khoảng thời gian để tĩnh tâm, đánh giá về hoạt động của mình mà đôi khi, trong lúc quá bận rộn, mải mê với những thành công, chúng ta chưa ý thức đầy đủ về phần việc đó. Sự phát triển của văn hóa - nghệ thuật không tách rời sự phát triển của xã hội nói chung. Dịch Covid-19 khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về hướng phát triển văn hóa nghệ thuật trong tương lai. Những câu chuyện về xã hội số, kinh tế số, công dân số sẽ dẫn đến sự hình thành văn hóa số và nghệ thuật số như thế nào? Những bảo tàng ảo, trí tuệ nhân tạo hay các ứng dụng khác của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ ở đâu trong sự phát triển của văn hóa - nghệ thuật? Vấn đề này chắc chắn không mất đi cùng dịch Covid-19, mà là bài toán cần lời giải đối với các tổ chức văn hóa, nghệ thuật trong những năm sắp tới.

- Theo ông, cần có những giải pháp như thế nào để có thể hỗ trợ các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị tư nhân hoặc đơn vị nhà nước tự chủ về tài chính có thể phục hồi sau dịch?

- Gần đây, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam có thực hiện báo cáo đánh giá nhanh về tác động của dịch Covid-19 đối với các tổ chức văn hóa, nghệ thuật - cơ sở khoa học để lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng giải pháp ứng phó với tình trạng nguy hiểm do dịch Covid-19 gây ra. Dù đây là báo cáo nhanh, thông tin chưa bao quát hết nhưng chúng tôi cũng đã đề xuất một số giải pháp như sau: Về quan điểm chung, các chính sách và biện pháp hỗ trợ cho khu vực văn hóa - nghệ thuật nên được xây dựng theo các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó không chỉ hỗ trợ trực tiếp các tổ chức này nhằm khắc phục nhanh hậu quả do dịch Covid-19 gây ra, mà còn hỗ trợ về lâu dài trong việc củng cố và xây dựng năng lực, nguồn lực cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật.

Đối với các giải pháp cụ thể, chúng ta nên chia thành nhóm các hành động ngắn hạn, ngay lập tức như: Miễn thuế VAT năm 2020 đối với tất cả các tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Giảm thuế VAT năm 2021 để các tổ chức văn hóa, nghệ thuật có khả năng bù lại những tổn thất trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra; hoãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả các tổ chức văn hóa, nghệ thuật trong thời gian 6 tháng; miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2020 - 2021 cho các nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam; các tổ chức văn hóa, nghệ thuật được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng; hỗ trợ miễn phí, giảm phí cho việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ hoạt động truyền thông (đường truyền băng thông rộng), công nghệ kỹ thuật số tiên tiến hỗ trợ hoạt động trực tuyến (công nghệ thực tế tăng cường/thực tế ảo AR/VR, số hóa, thu thanh, thu hình, chia sẻ dữ liệu,...) nhằm giúp các tổ chức văn hóa, nghệ thuật thực hiện các chương trình, sự kiện trực tuyến...

 Các hành động trung và dài hạn gồm: Thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa); xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam (về quản lý và quản trị văn hóa, nghệ thuật, về khai thác công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động văn hóa - nghệ thuật...); xây dựng những chương trình có sự hợp tác công - tư dài hơi để tạo điều kiện cho các tổ chức ở khu vực doanh nghiệp và các không gian, nghệ sĩ ngoài công lập có môi trường thuận lợi để sáng tạo và góp phần lớn hơn vào sự nghiệp phát triển bền vững của kinh tế - xã hội và văn hóa đất nước; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn về công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hành văn hóa, nghệ thuật.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội luôn xuất hiện ngay trong khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.