Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội giới thiệu sản phẩm

Quỳnh Dung| 04/12/2019 08:20

(HNM) - Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất là cơ hội cho các cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước và thế giới. Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến đánh giá về những sản phẩm đặc sắc của các miền quê tham gia Festival.

Chủ tịch UBND xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) Phạm Việt Hùng:

Gìn giữ hồn quê qua nón làng Chuông

Nghề làm nón ở làng Chuông đã có hơn 300 năm. Hiện nay, xã Phương Trung có khoảng 2.000 hộ có nghề làm nón, ước sản lượng mỗi năm đạt 3-4 triệu chiếc, mang lại khoảng 10% thu nhập cho người dân. So với nhiều ngành nghề khác, thu nhập của nghề làm nón không cao, song có tác động xã hội rất lớn bởi liên quan đến việc làm và thu nhập của hàng nghìn hộ dân. Nón làng chuông không chỉ có vẻ đẹp riêng mà còn bền, đẹp, chắc chắn... Đó chính là nhờ ở đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn của người thợ làm nón. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, người dân nơi đây vẫn âm thầm gìn giữ hồn quê hương qua chiếc nón lá.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) Đặng Văn Đông: 

Triển vọng phát triển lan hồ điệp tại Việt Nam 

Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tháng 8-2019, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả) đã xử lý phân hóa mầm hoa tại chỗ cho hơn 600.000 cây lan hồ điệp 18 tháng tuổi. Kết quả sau 60 ngày xử lý, hơn 98% số cây đã có mầm hoa. Số cây này được chăm sóc để nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Từ kết quả này, cây hoa lan hồ điệp sản xuất tại Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng kỹ tính, mở ra triển vọng lớn cho phát triển loại hoa này…

Nghệ nhân Vũ Ngọc Oanh, xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên): 

Quảng bá sản phẩm thủ công tinh xảo

Xã Chuyên Mỹ có 7 làng làm nghề khảm trai, thu hút nhiều lao động địa phương và vùng lân cận. Mỗi năm, nghề khảm trai Chuyên Mỹ cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu tới các nước Anh, Nga, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản… với hàng triệu sản phẩm lớn - nhỏ, như: Sập gụ, tủ, bàn ghế khảm trai, hoành phi câu đối, tranh sơn mài... Tham gia Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất, các hộ sản xuất, doanh nghiệp của xã Chuyên Mỹ thêm cơ hội quảng bá sản phẩm thủ công tinh xảo tới đông đảo khách hàng...

Giám đốc Công ty KINOCO Thanh Cao Dương Thu Huệ:

Tạo thêm nguồn sản phẩm nấm kim châm chất lượng cao

Công ty KINOCO Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã đầu tư dây chuyền hiện đại của Nhật Bản để sản xuất nấm kim châm. Với quy trình này, cây nấm phát triển tốt, đạt chất lượng cao. Hiện Công ty KINOCO Thanh Cao cung cấp ra thị trường 2 tấn nấm/ngày (mùa hè), 3-4 tấn/ngày (mùa đông). Năm 2019, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chuyển giao kỹ thuật trồng nấm kim châm với quy mô hộ tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Mô hình giúp các hộ dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập; đồng thời tạo thêm nguồn sản phẩm nấm kim châm chất lượng cao phục vụ thị trường.

Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi:

Điểm du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng 

Hiện nay, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ với hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Vừa qua, huyện Gia Lâm đã tổ chức Lễ đón nhận quyết định của thành phố Hà Nội công nhận xã Bát Tràng là điểm du lịch. Việc này góp phần đưa làng gốm hơn 500 năm tuổi trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội và cả nước. Hiện nay, xã Bát Tràng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động du lịch; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và người dân trong phát triển du lịch địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội giới thiệu sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.