Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội đổi thay tích cực

Thiện Mỹ| 25/04/2022 06:12

(HNM) - Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đều nhận thấy hiệu quả từ việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Quan trọng hơn, mô hình đã tạo sự thay đổi, chuyển động toàn diện, liên hoàn, từ tư duy con người, phương thức sản xuất đến việc tạo mối liên kết trong chuỗi sản xuất - cung ứng và nâng cao thu nhập cho các bên tham gia...

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, cánh đồng mẫu lớn mặc dù được phần lớn các tỉnh, thành phố triển khai, nhưng hiệu quả không đồng đều. Có những nơi nhanh chóng khẳng định được tính vượt trội, ngược lại, có nơi vẫn ì ạch. “Nút thắt” tồn tại nhiều năm qua vẫn là sản xuất manh mún, nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ mang tính nửa vời... Trình độ nhận thức, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật của nông dân có phần hạn chế; nhiều người còn thụ động, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước…

Để có những cánh đồng mẫu lớn theo đúng nghĩa, nhiều địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai... Đây là điều kiện tiên quyết để đưa cơ giới hóa vào canh tác, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Song, ở khía cạnh chiều sâu, sản xuất tập trung quy mô lớn còn đòi hỏi nhiều vấn đề hơn thế. Đó là việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, sự nhạy bén trong tư duy tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại…

Do mỗi địa phương có lợi thế, quỹ đất, điều kiện sản xuất, cơ sở hạ tầng khác nhau; việc mời gọi đầu tư, chính sách thu hút doanh nghiệp cũng không giống nhau nên mỗi tỉnh, thành phố rất cần giải pháp riêng, phù hợp, hướng đến mục tiêu xây dựng những cánh đồng mẫu lớn thật sự hiệu quả.

Xây dựng cánh đồng lớn là giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần nâng giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Ở tầm vĩ mô, doanh nghiệp, người dân đang cần những chính sách lớn để kích thích mô hình bứt phá từ những cơ chế cởi mở, ưu đãi về đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật... Đặc biệt, cần có cơ chế hình thành mối liên kết giữa: Nhà nước, nhà khoa học, hộ nông dân với các doanh nghiệp trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn sao cho bền chặt, ràng buộc cả về trách nhiệm, nghĩa vụ và cùng chung lợi ích...

Nhằm mở rộng hơn nữa cánh đồng mẫu lớn, các bộ, ngành cũng như mỗi địa phương cần đánh giá quá trình phát triển của mô hình trong thời gian qua để khắc phục các hạn chế, tìm giải pháp mở lối cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư. Các địa phương cần tạo lập nền tảng cho khu vực sản xuất tập trung như: Tạo vùng nguyên liệu; tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, dành nguồn lực kiên cố hóa kênh mương nội đồng, giao thông nông thôn phục vụ việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Từ đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, việc gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, xuất khẩu sẽ tạo đầu ra rất lớn cho các vùng sản xuất tập trung. Điều này đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… Do vậy, các cấp chính quyền cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân, để họ cùng thực hành sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, cùng bảo vệ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; chủ động tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Khi có sự chuyển động toàn diện, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sẽ đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới..., mở ra cơ hội đổi thay tích cực cho các vùng nông nghiệp, nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội đổi thay tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.