Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội để phát triển bền vững

Chí Kiên| 23/04/2020 06:04

(HNM) - Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I-2020 của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã bị suy giảm đáng kể. Trong hoàn cảnh khó khăn, thị trường nội địa lại đang chứng tỏ sức hấp dẫn với các doanh nghiệp và cho thấy vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt cũng như lâu dài.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang khắc phục khó khăn để vừa sản xuất, kinh doanh an toàn, vừa bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, sự “đứt gãy” tạm thời của chuỗi thương mại toàn cầu đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tăng cường kết nối cung cầu để tiêu thụ hàng hóa, đồng thời chớp thời cơ, chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Việc nhạy bén với thời cuộc, chủ động thực hiện sự chuyển hướng nói trên rất có ý nghĩa, vừa phục vụ tốt yêu cầu bình ổn thị trường, vừa khẳng định năng lực doanh nghiệp trong nước.

Nước ta hiện đã, đang khống chế hiệu quả sự lây nhiễm của dịch Covid-19. Cùng với sự thích ứng trong thời gian vừa qua, thành công bước đầu quan trọng này là cơ hội “vàng” để chúng ta “đi trước một bước” mở cửa thị trường trong nước, tái khởi động nền kinh tế, thực hiện sản xuất kinh doanh an toàn.

Để đón đầu cơ hội, yêu cầu đặt ra với ngành chức năng, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp là phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để “sống chung với dịch”.

Ở góc độ cơ quan quản lý, cần kịp thời đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, khoa học công nghệ, thông tin thị trường, xây dựng chuỗi liên kết… để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn. Cùng với đó là hiện đại hóa hạ tầng thương mại, đa dạng việc kết nối cung cầu, quan tâm đến thị trường còn nhiều tiềm năng như khu vực nông thôn, vùng miền núi…

Nhìn xa hơn, phải xác định đây là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Yêu cầu đặt ra với những lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp… là phải đổi mới, sáng tạo nhanh hơn. Cụ thể, đó là từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử;  sản xuất trang thiết bị làm việc từ xa… Đặc biệt, trước thực tế thời gian vừa qua, nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước thiếu nguồn nguyên phụ liệu bởi chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do dịch Covid-19, thì việc ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ là đòi hỏi cấp thiết.

Trước mắt, các doanh nghiệp cần đánh giá nhu cầu thị trường nội địa, chuyển hướng sản xuất phù hợp gắn với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe người lao động. Về lâu dài cần xác định rõ quan điểm không phân biệt thị trường trong nước hay nước ngoài để định hướng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đạt yêu cầu.

Cụ thể, doanh nghiệp cần tạo dựng thương hiệu bằng việc sản xuất hàng hóa chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Muốn vậy, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị và trình độ nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, số hóa, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận và giảm tiếp xúc trực tiếp hơn.

Ở góc độ người tiêu dùng, cần thay đổi nhận thức với hàng hóa trong nước, tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc này sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm hơn.

Lúc này, cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong nước để phát triển bền vững là rất lớn đối với doanh nghiệp. Qua đó không chỉ thúc đẩy kinh tế trong nước, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp hội nhập với chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu sau này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.