(HNM) - Thống kê công tác giải quyết kiến nghị cử tri cho thấy có tình trạng các bộ, ngành nợ cử tri nhiều câu hỏi nhưng thời gian hứa trả lời đã trôi qua lâu mà sự việc vẫn y nguyên. Nguyên nhân được rút ra từ nhiều cuộc giám sát là vì thiếu phối hợp, kém hiểu nhau, nên các cơ quan cùng có trách nhiệm trong một việc thường nảy sinh tâm lý
Thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm
Cử tri phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII. Ảnh: Bảo Lâm
Theo Ban Dân nguyện của Quốc hội (QH), hiện kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri mới chỉ dựa vào văn bản trả lời của các bộ, ngành. Tính đến nay, ngoài văn bản trả lời đối với gần 1.200 kiến nghị, vẫn còn có các câu hỏi chưa có lời giải đáp. Đối với hơn 300 vấn đề mà nhiều bộ, cơ quan đã trả lời cử tri tại các kỳ họp QH trước là "ghi nhận" hoặc "đang xem xét giải quyết", mặc dù điều 11 của Luật Hoạt động giám sát của QH quy định, người trả lời chất vấn phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện những nội dung đã hứa, nhưng trên thực tế có không ít vấn đề phát sinh khiến chủ trương tốt đẹp này chưa được triển khai. Ví dụ điển hình nhất là tại kỳ họp QH khóa trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Tài chính… đã báo cáo trước QH rằng nhiều vấn đề liên quan đến đời sống nông thôn và người lao động "đang phối hợp cùng các bộ, ngành sửa đổi cho phù hợp". Nhưng thời gian hứa đã trôi qua mà nay các vấn đề liên quan đến chế độ đối với chủ nhiệm HTX trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020; xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả vẫn chưa thay đổi.
Qua thống kê công tác giải quyết kiến nghị cử tri cũng cho thấy, hiện nay, gay gắt, bức xúc nhất là các khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường, bố trí tái định cư, khiếu nại đòi lại đất. Đây là nội dung mà công dân thường tập trung khiếu nại đông người, vượt cấp lên các cơ quan TƯ. Về tố cáo, có không ít đơn chỉ mặt, điểm tên cán bộ có chức, có quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, tham ô, sử dụng lãng phí tài sản công. Nhưng các cơ quan của QH và các vị đại biểu QH mới chủ yếu dừng lại ở việc chuyển đơn và đôn đốc giải quyết. Còn việc trả lời cho các cơ quan của QH thì chưa có chế tài ràng buộc. Trong khi đó, nhiều vấn đề dân kêu đã lâu, qua giám sát thấy có thật. Vì lẽ này, không ít đại biểu dân cử cảm thấy mình còn nợ với dân rất nhiều nhưng không có cách gì hóa giải.
Ba "điển hình" về việc chậm tiến bộ
Trưởng Ban Dân nguyện của QH Trần Thế Vượng cho biết, đó là việc giá bán lẻ điện sinh hoạt chưa bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, tất cả các khách hàng đều đang sử dụng điện sinh hoạt chung một biểu giá bán lẻ. Mặt khác, giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang như quy định hiện hành chưa khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, do mức chênh lệch giá giữa các bậc thang chưa hợp lý. Vấn đề này dân kêu phản ánh nhiều nhưng việc khắc phục vẫn dậm chân tại chỗ.
Cử tri cũng rất bức xúc tình trạng gian lận trong bán lẻ xăng dầu vì thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng nhưng công tác kiểm tra, xử lý lại chưa nghiêm, thiếu tính răn đe
Thanh toán bảo hiểm y tế với những người bị tai nạn giao thông cũng là tồn tại được đại biểu QH đào xới từ kỳ họp QH trước, đến nay bà con vẫn tiếp tục kiến nghị vì chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân do Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư đòi hỏi người bị tai nạn giao thông phải có xác nhận không vi phạm luật của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào, ai xác nhận… thì không nêu được. Mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã "nhận khó khăn về phía cơ quan nhà nước". Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế vẫn chưa đưa ra phương án giải quyết dứt điểm do "đây là vấn đề "liên bộ" nên phải chờ thống nhất với các bộ khác".
Điều này cho thấy, không chỉ cần có người chỉ rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan trong giải quyết kiến nghị của cử tri, mà còn cần nhiều hơn những quy chế, chế tài quy định trách nhiệm của từng bên. Nếu để công việc bê trễ vẫn không có thưởng, phạt hay chế tài ràng buộc thì cử tri sẽ mãi bức xúc vì kiến nghị của mình bị "phớt lờ".
"Hiện người dân chỉ còn biết trông chờ và khai thác tối đa vào công cụ giám sát mạnh nhất là hoạt động chất vấn và tái chất vấn của QH trong ngày 22, 23, 24 tháng 11 tới. Chỉ mong các nhóm vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đúng và trúng những việc dư luận xã hội, cử tri quan tâm và chuyển biến trên thực tế" - bà Lê Thu Thủy ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy bày tỏ. Cũng theo bà Thủy, để giảm bớt sức ỳ của các "tư lệnh" ngành, cần sửa đổi cả Luật Hoạt động giám sát của QH theo hướng, phải quy định cụ thể phạm vi giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của QH, các cơ quan, đại biểu và đoàn đại biểu QH cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện các kết luận giám sát.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.