Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế tự chủ tạo động lực để đơn vị nghệ thuật công lập tự nâng mình lên

An Nhi| 17/11/2022 15:56

(HNMO) - “Xu hướng hoạt động sáng tạo nghệ thuật sân khấu theo cơ chế tự chủ hiện nay” là nội dung hội thảo do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 17-11, tại Hà Nội, với sự tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết của giới hoạt động sân khấu Thủ đô.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc cho biết, từ năm 1997, nghệ thuật sân khấu Việt Nam đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa theo yêu cầu của Đảng. Từ năm 2015 đến nay, Đảng và Nhà nước đã định hướng cho sân khấu công lập chuyển dần sang sân khấu tự chủ. Tuy nhiên, hoạt động sân khấu tự chủ và tư nhân hiện nay mới chỉ ở thời kỳ “quá độ”, chưa có chiến lược, thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, hội thảo cần các ý kiến đóng góp của những người hoạt động sân khấu để xác định xu hướng của hoạt động sáng tạo sân khấu theo cơ chế tự chủ, từ đó tìm ra những giải pháp để các đơn vị sân khấu hoạt động hiệu quả, vừa khuyến khích sáng tạo của nghệ sĩ, nâng cao đời sống người làm nghề, đồng thời phát triển sân khấu Việt Nam đa dạng, lành mạnh.

Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, hiện nay, tự chủ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời tăng quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật công lập. Tự chủ giúp việc quản lý, phân phối, chi tiêu tài chính của từng đơn vị gắn liền chất lượng, hiệu quả công việc. Thực tế, với một số đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc, nghệ thuật đương đại hay xiếc, việc tự chủ tạo động lực để mỗi đơn vị tự nâng mình lên, làm phong phú các hoạt động nghệ thuật, kích thích sáng tạo. Tuy nhiên, với các đơn vị nghệ thuật truyền thống, việc tự chủ gặp nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ mất bản sắc. Với các đơn vị này, cần có chính sách mềm dẻo, có lộ trình tự chủ và sự hỗ trợ về mặt đào tạo, xây dựng đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên kịch, diễn viên để nâng cao chất lượng tác phẩm, đặc biệt, cần đào tạo khán giả yêu nghệ thuật truyền thống, chủ động đến với nghệ thuật truyền thống.

Nhiều ý kiến tại hội thảo nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức hiện nay của các đơn vị sân khấu hoạt động theo mô hình công lập và ngoài công lập, đồng thời khẳng định, dù hoạt động ở mô hình nào thì các đơn vị nghệ thuật cũng đều phải quyết tâm sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng, chất lượng cao phục vụ nhân dân, đưa lại nguồn thu cho Nhà nước và nâng cao đời sống cho nghệ sĩ. 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, để sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế tự chủ hiện nay, bản thân những người sáng tạo là tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ… phải trau dồi nghề nghiệp, nâng cao chất lượng sáng tạo, chủ động giới thiệu, quảng bá đưa sáng tạo của mình đến với các đơn vị, khán giả…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế tự chủ tạo động lực để đơn vị nghệ thuật công lập tự nâng mình lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.