Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có cần tem chống sách lậu?

Mai Hoa tổng hợp| 09/07/2017 07:49

(HNM) - Việc Cục Xuất bản, In và Phát hành đang tổng hợp ý kiến liên quan đến việc xây dựng Thông tư quy định về

Các đơn vị liên kết xuất bản đang đề nghị tăng hậu kiểm để quản lý sách. Ảnh: Thái Hiền


Bà Trần Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books):
Đi ngược với xu thế

Tất cả đơn vị xuất bản, bao gồm các nhà xuất bản và đơn vị liên kết như Thái Hà Books, đều chịu ảnh hưởng lớn bởi văn bản này. Việc Cục Xuất bản, In và Phát hành không lấy ý kiến của các đơn vị liên kết là không hợp lý vì hiện nay, cả nước có gần 200 đơn vị xuất bản, đa số là đơn vị liên kết. Như vậy, nếu không lấy ý kiến của các đơn vị liên kết thì sẽ không thể có được quan điểm tổng quát, nhiều chiều và thực tế.

Việc tìm cách ngăn chặn và phòng ngừa sách lậu, sách giả đòi hỏi những biện pháp khả thi. Tôi cho rằng ý kiến in tem chống giả chung là đi ngược với xu thế. Mỗi công ty sách, nhà xuất bản hầu như đều có tem chống giả, đừng để họ phải gánh thêm một con tem, một giấy phép con nữa!

Trong dự thảo, Cục Xuất bản yêu cầu thông tin trên tem cần có 4 thông số: Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục; số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản; số thứ tự theo sốlượng xuất bản phẩm được in. Như vậy sẽ phải có tem riêng vì mỗi một tựa sách có một số ISBN và số xác nhận đăng ký khác nhau. Trong khi đó, số lượng in hiện tại của các đơn vị làm sách hầu như không quá 5.000 cuốn một lần in, nếu đánh số thứ tự theo số lượng xuất bản phẩm được in sẽ chẳng khác gì in tem đặc biệt, mỗi con tem là một số!

Việc sử dụng tem chung không giúp chống được sách lậu mà chỉ gây cản trở cho các đơn vị xuất bản. Luật Xuất bản đã có rồi, để chống in lậu thực sự hiệu quả thì các đơn vị chức năng phải thực hiện luật nghiêm túc trong tất cả các khâu của hoạt động xuất bản.

Ông Trịnh Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Truyền thông Quảng Văn (Quảng Văn Books):
Đừng loay hoay với việc dán tem!

Tôi thực sự rất buồn vì Cục Xuất bản, In và Phát hành không lấy ý kiến của đối tác liên kết phát hành khi xây dựng dự thảo Thông tư dù theo Điều 23 Luật Xuất bản thì nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân (tức đối tác liên kết) để xuất bản đối với từng xuất bản phẩm. Trong thực tế, trừ sách giáo khoa thì đa phần sách bày bán ngoài thị trường là của các đối tác liên kết. Do vậy, về bản chất, dự thảo Thông tư có tác động đến các công ty sách tư nhân không kém gì so với các nhà xuất bản.

Theo tôi, Thông tư sẽ có những tác động không có lợi đối với các nhà xuất bản và công ty sách. Thứ nhất, làm gia tăng chi phí cho sản phẩm, dẫn đến việc tăng giá bìa, làm ảnh hưởng đến sức mua của độc giả. Thứ hai, thêm thủ tục hành chính đối với các nhà xuất bản và công ty sách, không loại trừ nguy cơ giấy phép con, nảy sinh tâm lý xin - cho. Thứ ba, lãng phí nguồn lực, vì hiện tại hầu hết các nhà xuất bản và các công ty sách đều có ISBN, có mã vạch tiêu chuẩn, có đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu, nhãn hiệu công ty, có tem chống làm giả...

Để phòng, chống có hiệu quả tình trạng xâm phạm bản quyền cả với sách in và sách điện tử, trước hết cần thay đổi tư duy. Dự thảo Thông tư dán tem phòng, chống in lậu, in giả và sao chép trái phép xuất bản phẩm thể hiện cơ chế quản lý doanh nghiệp theo tư duy “tiền kiểm”, sẽ đặt gánh nặng lên vai doanh nghiệp. Cần quản lý theo tư duy “hậu kiểm”, tức là Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng với các nhà xuất bản, các công ty sách đưa ra những tiêu chuẩn và quy chuẩn dựa trên thông lệ quốc tế.

Hiện nay, trên các xuất bản phẩm đều có trang bản quyền, có ISBN, có mã vạch, tem chống giả… Đó là những tiêu chuẩn và quy chuẩn giúp phòng, chống in lậu, in giả và sao chép xuất bản phẩm trái phép. Mấy năm trước, gần như toàn bộ các tựa sách của chúng tôi bị in lậu, in giả, nhưng nay đã không còn tình trạng đó vì ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn và quy chuẩn nêu trên, chúng tôi cùng các nhà phân phối/bán lẻ đưa thêm các điều khoản, ví dụ nhà sản xuất cam kết không phát hành sách không có bản quyền; nhà phân phối/bán lẻ cam kết không bán sách lậu. Trong hợp đồng sử dụng tác phẩm với tác giả trong nước và các nhà xuất bản nước ngoài cũng đều có điều khoản về việc hai bên cùng chống hành vi in lậu. Rõ ràng đó là trách nhiệm và quyền lợi sát sườn của các nhà xuất bản và công ty sách, chúng tôi không thể không làm.

Tôi nghĩ, với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần đồng hành, hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản tuân theo tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc tế, để cùng kiến tạo ngành Xuất bản Việt Nam phát triển lành mạnh, xứng đáng với tiềm năng hiện có, chứ không chỉ loay hoay với việc dán tem để phòng, chống in lậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có cần tem chống sách lậu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.