Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện quản lý: Giải pháp xoa dịu khó khăn?

Kính Lúp| 20/05/2015 06:25

(HNM) - Ngày 7-5-2015, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD tăng thêm 1%. Quyết định này được một số tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế đánh giá cao, cho là phù hợp với diễn biến của thị trường.


Quyết định tăng trần tỷ giá VND/USD lên 1% của NHNN cũng khá bất ngờ, bởi trước đó, NHNN luôn khẳng định, chính sách tỷ giá đang đi đúng hướng và không điều chỉnh thêm tỷ giá. Một trong những lý giải về việc gây áp lực cần phải điều chỉnh tỷ giá là dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng, biểu hiện suy giảm xuất khẩu chỉ là bề nổi của nền kinh tế, trong khi về bản chất đó là sự trì trệ trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chưa theo kịp với hội nhập toàn cầu. Xin đơn cử, gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh việc nông sản, rau quả đang đến thời kỳ thu hoạch, nhưng chưa thấy doanh nghiệp phân phối nào đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua để xuất khẩu, mặc dù trước đó ngành chức năng đã giúp nông dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để xuất khẩu.

Cũng về vấn đề này, gần đây các ngành chức năng đã có những trao đổi, tọa đàm, nhưng xem ra vẫn chưa tìm ra được giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ sản phẩm, trong đó có việc xuất khẩu. Chẳng hạn, một kilogam thanh long, vải thiều khi vào được thị trường Mỹ hay Australia... có giá bán cao gấp hàng chục lần giá bán trong nước. Vậy, từ đó dễ dàng có câu trả lời cho sự suy giảm xuất khẩu trong trường hợp này bắt nguồn từ sự tắc trách của một lề lối làm việc thiếu trách nhiệm, tình trạng lạc hậu của cơ cấu kinh tế, hay do cơ chế tỷ giá?

Với tỷ giá, về nguyên tắc là sự phản ánh quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Song, đây còn là bài toán khó với nhiều ẩn số, đặc biệt phụ thuộc lớn vào nội lực của nền kinh tế, năng lực quản trị và khả năng điều hành chính sách tài chính tiền tệ, thị trường ngoại hối. Yếu tố "tâm lý" mà NHNN thường đề cập khi tỷ giá có biến động mạnh là sự thao túng bởi giới đầu cơ, kết hợp với sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng.

Theo mô hình quản lý hiện nay, hầu như các kênh dự trữ ngoại tệ quan trọng nhất của nền kinh tế đều nằm trong vòng chi phối của Nhà nước, nhưng không hiểu vì sao tỷ giá lại liên tục "nhảy múa" và để "thị trường tự do" điều khiển? Từ trước đến nay, tỷ giá ở nước ta hầu như luôn ở thế điều chỉnh tăng. Phải chăng, đây là liệu pháp dễ nhất nhằm "xoa dịu", hóa giải các khó khăn?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện quản lý: Giải pháp xoa dịu khó khăn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.