(HNM) - Vào ngày nghỉ cuối tuần, ông Mỹ Văn (Hội Nhà văn Hà Nội) lấy thú dạo qua các hiệu sách làm vui. Chiều thứ bảy 11-4, ông đến phố sách Đinh Lễ bên hồ Hoàn Kiếm và dừng lại khá lâu ở hiệu sách Tân Việt. Sách ở đây thật phong phú, có đầy đủ chủng loại.
Người đến mua hoặc xem sách khá đông, trong đó có một cô gái khá xinh đang mải mê điểm sách. Một lúc sau, khi chân đã mỏi, cô ngồi xuống sàn, thấy chồng sách cô ngồi lên luôn. Ông Mỹ Văn nghĩ tưởng cô cho đó là cái ghế nên mới ngồi tự nhiên như vậy, nhưng một lúc sau, hiện tượng trên lặp lại. Ông đến bên cô gái, nói nhỏ chỉ đủ hai người nghe:
- Cháu hết sức thông cảm cho bác được góp ý với cháu một việc nhỏ được không?
- Xin bác cứ nói ạ - Nhìn mái đầu tóc bạc của ông Mỹ Văn, cô gái khiêm tốn nói tiếp - Bác là cây cao bóng cả, cháu tin bác chỉ dạy cháu điều hay.
- Đến đây lâu, nếu mỏi chân, cháu có thể mượn ghế của cửa hàng, còn việc cháu ngồi thế này là không ổn đâu, người khác nhìn thấy người ta cười cho.
Nghe dứt câu, cô gái khẽ khàng đứng dậy:
- Trời ơi cháu thật có lỗi, vì mải xem sách mà cháu chẳng để ý gì cả. Cháu cảm ơn bác, cháu xin được sửa ngay ạ.
Trong thư gửi Người Xây Dựng, sau khi kể lại chuyện trên, ông Mỹ Văn như còn vui vì sự nhanh nhạy tiếp thu góp ý của một người trẻ tuổi. Ông cho biết thêm rằng, hiện tượng trên thường thấy ở các hiệu sách, không chỉ đối với khách mua mà còn xảy ra với cả nhân viên hiệu sách, gây phản cảm cho những người yêu văn hóa đọc. Bởi sách là kho tri thức, là biểu tượng của văn hóa, phải được trân trọng. Trước đây, trên đường phố Hà Nội, người ta thường thấy có một cụ già hằng ngày quẩy đôi bồ đi nhặt các tờ giấy bản rơi vãi trên đường, rồi đến chiều, cụ cho vào cái lò đốt mã ở chân Đài Nghiên trước cửa đền Ngọc Sơn để đốt. Sự mến trọng chữ nghĩa của người Hà Nội xưa đáng để các bạn trẻ học và làm theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.