Sự kiện tàu Vinalines Queen mang cờ Việt Nam bị mất tích mấy ngày qua đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận trong nước. Nhưng trên thế giới, việc các con tàu cỡ lớn như thế này mất tích một cách bí ẩn không phải là chuyện hiếm...
1. Năm 1963, tàu chở dầu SS Marine Sulphur Queen, được biến đổi để chở lưu huỳnh nấu chảy, đã bị biến mất khi đang di chuyển gần phía Nam bờ biển Florida, Mỹ. "Bốc hơi" cùng với nó là 39 thủy thủ.
Con tàu này ban đầu có tên SS Esso New Haven, đã được công ty đóng tàu Sun Shipbuilding & Dry Dock đóng tại Pennsylvania vào tháng 3/1944, với chiều dài 100 mét, rộng 30 mét và cao 31 mét.
Hành trình cuối cùng của con tàu bắt đầu vào ngày 2/2/1963, với lô hàng lưu huỳnh nặng 15.260 tấn. 2 ngày sau khi khởi hành, lúc đi ngang qua Florida, tàu đã gửi đi một tin nhắn như bình thường, cho thấy nó đang ở 25°45' Bắc, 86° Tây, sau đó nó hoàn toàn bặt tin. Ngày 6/2, tàu được xác nhận đã mất tích. Một cuộc tìm kiếm ở Eo biển Florida, nơi được cho là điểm con tàu gặp nạn, chỉ tìm thấy vài mảnh vỡ và thiết bị cứu nạn. Nhưng người ta hoàn toàn không nhìn thấy bóng dáng của con tàu cũng như 39 thủy thủ đoàn.
Về sau, một số nhà văn như Vincent Gaddis đã cho rằng Marine Sulphur Queen có thể là nạn nhân của tam giác quỷ Bermuda. Tuy nhiên cuộc điều tra của lực lượng tuần duyên Mỹ kết luận con tàu không đạt các tiêu chuẩn an toàn để hoạt động và có thể đã bị chìm do biển động.
Tàu MV Rezzak đã mất tích không để lại một dấu vết |
2. Tháng 2/2008, tàu chở hàng MV Rezzak treo cờ Panama và thủy thủ đoàn 25 người Ấn Độ của nó đã biến mất khi đang đi từ Novorossisk, Nga, tới Bartın, Thổ Nhĩ Kỳ, với lô hàng là phôi thép. Con tàu mất liên lạc với các trung tâm kiểm soát vào sớm ngày 18/2 và nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của con tàu, ngoại trừ một chiếc thuyền cứu sinh đang trôi dạt cách bờ biển nước này chừng 5 hải lý.
Hãng tin DNA của Ấn Độ dẫn lời ông Biswas Santosh, Tổng giám đốc công ty Pelican Marine đã thuê các thủy thủ điều khiển con tàu, nói rằng MV Rezzak rời Novorossisk từ ngày 17/12. Trong đêm con tàu bị mất tích, biển động rất mạnh và tới sáng thì không ai còn nhìn thấy dấu vết của nó. Ban đầu có tin cho rằng tàu có thể bị cướp biển tấn công, nhưng khả năng này về sau bị loại bỏ. Có một chi tiết nữa đáng chú ý là MV Rezzak được đóng vào năm 1984 và được trang bị các thiết bị liên lạc, định vị hết sức hiện đại, nhưng người ta vẫn không thể tìm thấy con tàu sau khi nó biến mất.
3. Tháng 11 năm nay, tàu MVS Al-Akhter chở theo nhiều linh kiện điện tử và hàng tiêu dùng, cùng 40 tấn đá, 30 tấn xi măng, đang trên đường từ cảng Mangalore của Ấn Độ tới vùng Laksha Dweepa thì mất tích trong điều kiện biển động. Cùng mất tích với con tàu là 6 thành viên thủy thủ đoàn. Thi thể một thủy thủ về sau được tìm thấy, nhưng tung tích con tàu cùng những người còn lại vĩnh viễn là một ẩn số.
4. Ngoài các vụ trên, thế giới cũng ghi nhận nhiều trường hợp tàu biển mất tích bí hiểm khác. Đó là con tàu hải quân HMS Sappho của Anh, bị mất tích khi đang di chuyển ngoài khơi bờ biển Australia hồi năm 1857; tàu chiến USS Cyclops của Mỹ mất tích không để lại một dấu vết cùng với thủy thủ đoàn 306 người vào ngày 4/3/1918; tàu Baychimo, bị mất tích sau khi mắc kẹt trong băng tuyết hồi năm 1931...
***
Giới phân tích nói rằng có rất nhiều nguyên nhân để những con tàu được xem là mất tích, như bị nạn do bão lớn, bị cướp, đâm nhau với tàu khác trên biển, bị máy bay hoặc tàu quân sự tấn công và có thể bị sóng thần khổng lồ nhấn chìm.
Thông thường những con tàu này biến mất trong hoàn cảnh không có nhân chứng và người sống sót để kể lại những gì đã xảy ra, khiến cho số phận bi thảm của chúng thường không được làm rõ. Việc tìm kiếm và trục vớt những con tàu gặp nạn, ngay cả trong điều kiện hiện đại như ngày nay, có chi phí vô cùng lớn. Vì lẽ đó, bí ẩn liên quan tới sự mất tích của các con tàu này có lẽ sẽ chẳng bao giờ được giải đáp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.