(HNM) - DUO là trung tâm thương mại lớn của (quận?) Hervanta, cách nhà Tuấn mươi phút đi bộ. Cháu đi làm, không có
Có hai lối đi. Một, chui dưới chân cầu vượt rồi lững thững qua các chung cư. Nhà thường thấp, tòa cao nhất chỉ 10 tầng, ngang bằng sổ thẳng không trang trí nhưng trông vẫn mềm mại nhờ dãy bạch dương, thông, sồi và những bụi hồng, oải hương. Chung cư nào cũng có phòng thể dục, giặt là, ngoài trời là giá xe đạp, lò nướng thịt. Nhà tắm hơi thì không thể không có, vào cả trong rừng cùng nhà nghỉ, với chổi bạch dương, củi, tạp chí Sauna. Trẻ chơi trong sân có thú nhún, cầu trượt, đu, thang leo, hố cát. Cạnh đấy là chốn thảnh thơi của người lớn. Đến là lắm thùng rác, được phân loại hẳn hoi và chả thấy mùi mè hay đọng nước bẩn. Hút thuốc trong nhà bị cấm, nhưng ngoài đường rất sẵn gạt tàn. Các sắc dân thật phong phú, tha hồ phơi bày nhan sắc: đàn bà Di gan mang váy gọng thùng thình, phụ nữ Ả Rập "kiên cố" khăn chùm đen, cha cố dòng chính thống râu dài tới bụng, người Ấn nâu nâu người Phi tết bím (gội đầu chắc rất phức tạp). Nhiều nhất dĩ nhiên là "sở tại" lừng lững hai mét, mắt xanh biếc nhưng nhìn kỹ lại có ánh tim tím.
Một góc trung tâm thương mại DUO. |
Lối thứ hai xa hơn, nhưng lại cho thấy sự thể giao thông thế nào. Xe đang vun vút không bao giờ vượt đèn đỏ, sẵn sàng nhường đường cho người đi bộ, nhất là trẻ em. Một người đang tất bật, thấy chúng tôi hỏi đường liền móc điện thoại tra bản đồ, xí xồ chỉ vẽ "mỏi cả tay". Đi bộ rất dễ, nhất là trẻ em, người tàn tật, nhưng ai ai cũng đợi đèn xanh mới băng theo vạch qua đường. Người Phần Lan dành cho xe đạp tình yêu vô bờ. Đường lớn nào cũng có lối nhỏ song song, tha hồ đạp thong thả, tuôn vào rừng, chui cầu vượt vòng vèo thế nào cũng không đụng ô tô. Cuối tuần, xe đạp ngự trên nóc xe hơi, đến một nơi vắng lặng nào đó có tuần lộc, hươu nai thì bỏ xuống, đạp bên những bụi dâu dại, nấm, oải hương. Yên tĩnh, sạch sẽ cứ như là tuyệt đối. Lòng người thanh thản lắm, cứ trông những ô tô đa phần giản dị không khoe đẳng cấp mà đoán vậy…
Như nhiều trung tâm thương mại, DUO có những khu riêng cho từng chuỗi chợ thuê, giá cả, mặt hàng không giống nhau. Không phải gửi túi bên ngoài, cũng chả ai chen hàng. Người già nhiều lắm, ngồi bên tách cà phê, cái nhìn chả hướng vào đâu, như là vô vọng, bèn đoán là họ sống tách rời con cái, không được hưởng những ầu ơ bên trẻ. Nhưng còn hơn phải vào trại dưỡng lão.
Người Phần ăn khỏe kinh khủng, những suất ăn to tướng tiêu hóa xong lại đến kem, đồ ngọt, có lẽ vì cái lạnh và thói quen vận động. Thịt thà rẻ, tính theo euro/kg thì cánh gà 5,7, đùi gà 3, salami tuần lộc hay nai sừng tấm 6 euro một khúc 2,5 lạng. Chế phẩm sữa càng rẻ, nhưng rau thì đắt "thôi rồi": đậu cô ve 9,59, hành 1,29, cà chua bi 9,11, đào 6,25, gừng 5,95, thìa là 29,8, mùi 39,8. Một thống kê cho biết năm 2004, một người ăn trung bình 72kg thịt, tức 2 lạng mỗi ngày, trong khi cả năm 1980, "chỉ số" ấy với rau là 21,1kg. Tranh quyền tổ chức Thế vận hội 2012, Pháp bị mất phiếu bầu của Phần Lan khi tổng thống J. Chirac buông câu "Sau Phần Lan, Anh là nước có món ăn dở nhất". Căn cứ vào ẩm thực chân phương, giầu năng lượng mà ít quà bánh, có lẽ nên đoán rằng tính cách người Phần không "quái" như mấy anh Pháp, Italia. Cũng có thể đoán nữa, là cách nay sáu chục năm, khi sang đây "làm nhiệm vụ quốc tế", bội thực cái nghệ thuật ẩm thực quá bổ dưỡng này mà nhà văn Nguyễn Tuân đâm nhớ thứ quà pha phách nhiều mùi vị ở nhà. Thiên tùy bút "Phở" đã được viết trong tâm thế này chắc?
*
* *
Hồ Suolijarvi cách DUO hai cây số. Trong veo như bất kỳ con hồ nào trong xứ. Bùm bũm tiếng đập nước, tiếng mẹ gọi con. Trong rừng thấp thoáng người chạy. Hoa súng dập dờn. Một chú hải âu lượn vòng thả những tiếng quéc quéc. Một gia đình trải khăn, giở đồ ăn ra. Quanh cầu gỗ bạch dương, mấy cô xanh đỏ lao ùm ùm. Quang cảnh đẹp đẽ, thanh bình, cứ như trong tưởng tượng. Tôi mặc đồ bơi điệu đà, hùng dũng khởi động, dúng ngón chân xuống nước rồi hùng dũng… mặc lại quần áo. Không thể chịu được lạnh, dù ở nhà tôi vẫn ra sông Hồng tắm giữa đông.
Đành nhập bọn với đám thanh niên Việt. Năm anh chàng câu cá có vẻ nghiệp dư, chọn chỗ, cắm cần xong nhóm lửa nướng xúc xích uống bia, tán ầm ĩ. Xa gia đình, ai cũng theo triết lý làm khỏe hưởng thụ nhiều, không đủng đỉnh làm chầm chậm tiêu như công chức ở nhà. Chim nước đủng đỉnh lân la rỉa những mẩu bánh. Sinh lười biếng duỗi dài bên tôi. Chàng trai Hà Nội này đã lấy bằng thạc sĩ một chuyên ngành gì đấy rất khó nhớ tên, đang bưng bê ở một khách sạn lớn trong trung tâm. "Cháu sẽ học tiếp tiến sĩ chứ?", tôi hỏi. Sinh nở nụ cười mơ hồ, hàng mi dài và cong chớp chớp. Tuấn nói to: "Còn phải xem nó có thích không đã".
Ba bốn chú choai ào qua, ném vào nhau cái chai nhựa. Trò chơi kết thúc khi thằng bé đi cuối nhặt chai bỏ vào túi dâu dại, nấm. Thấy tôi tò mò, Sinh bảo "ra chỗ có thùng rác nó sẽ bỏ vào". Xứ này có những cách dạy trẻ đến lạ: ngã tự đứng dậy, ăn xong dọn lấy. Thằng bé nọ tò mò theo bố vào nhà vệ sinh, một hôm bố nó chìa "súng đạn" ra "Đây xem đi", thế là thôi. Con choai khác lần nào "ị" mẹ cũng hỏi "Sắp xong chưa?", hôm mẹ đang làm "điều tương tự" thì nó mở ịch cửa: "Chỉ một câu thôi: Sắp xong chưa?". Những hỏi han, cật vấn phải tự tìm lấy, sách vở, mạng không có mới được giải đáp. 18 tuổi tách ra, trên lý thuyết không phụ thuộc ai nữa. Cháu về thăm, ra vườn cắt cỏ xong ông bà đưa tiền, gọi là trả công lao động. Nhân cách hình thành dần dần, mỗi người là một cá thể độc lập tự làm tự chịu, có điều ai đó cần giúp thì sẵn lòng.
- Cháu chưa trả lời ngay vì buồn cười, bác hỏi y như bố mẹ cháu hay giục. Mà Tuấn nó nói đúng đấy, phải thích thì mới làm…
Sinh nhổm dậy, vẻ lười lĩnh biến mất, thay bằng câu nghiêm trang: "Nghĩa là phải có say mê đã. Mình làm tiến sĩ để làm gì, có thích hợp, đúng với bản tính, sở trường không, thuận lợi cho cuộc sống sau này hay lại là gánh nặng. Đấy là cách nghĩ mới, sang đây cháu mới ngấm. Tiến sĩ là nhà khoa học thực thụ rồi, có sáng tạo, phản biện, suy nghĩ độc lập, tâm không nhàn hạ được, chưa nói đến những áp lực người ta đặt lên mình. Đây, cháu bưng bê ngoài khách sạn và suy nghĩ, chọn lựa làm ông trí thức thực hay người bình dân kiếm đủ tiền rồi hưởng thụ, mãi vẫn chưa xong. Mà ở nhà cứ giục".
- Nó dân chuyên toán có giải quốc gia, không phải không có sức làm tiến sĩ đâu.
Tuấn bô bô đế vào, trong khi Sinh tiếp tục tâm tư: "Ở nhà nhiều tiến sĩ quá, lại còn quy hoạch hai vạn ông trong mười năm tới. Đấy có phải là một tước hiệu như "Sir" ông Ferguson huấn luyện bóng đá giỏi được phong đâu, mà là gánh nặng anh phải mang suốt đời, không tự nguyện thì rất khổ. Không bằng lòng với cái đang có, loay hoay tìm cái mới thay thế, bác bảo luôn luôn đi tìm sự hoàn thiện khổ lắm chứ. Đời bao lạc thú tênh tênh mà hưởng thụ, giữa thằng này (chỉ Tuấn) với cháu chưa biết ai sướng hơn. Đấy là nói bên này thôi. Chứ xứ mình làng xã, con gà tức nhau tiếng gáy, các cụ bán ruộng đi mua bát phẩm cửu phẩm, cỗ làng đeo bài ngà ngồi chiếu trên khinh khi mâm dưới lấy làm oai. Nhiều cụ mang tiếng nhà Nho, đỗ đạt rồi không đọc sách nữa, đâm cháu thấy làm cái tiến sĩ giờ dễ cũng na ná lắm".
Cái phao động đậy trên mặt nước, Sinh ào dậy giật cần, để lại tôi với bao bất ngờ. Đến là lạ, cái nhận thức này. Cùng với nó là bao liên tưởng. Tốt nghiệp đại học chưa có việc: học bằng nữa hay giắt lưng cái thạc sĩ. Công chức lương còm ăn không ngồi rồi tranh thủ "làm phát tiến sĩ". Những cử nhân bán hàng đa cấp. Những thạc sĩ quản trị kinh doanh ngồi đóng dấu công văn. Và mới đây, ông giáo sư chủ giải "Phiu" danh tiếng bị "ném đá" vì phát biểu "Không nhất thiết phải vào đại học"…
Nhưng thôi, bầu trời, mặt nước, cánh rừng đẹp đẽ thế này đăm chiêu làm gì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.