(HNM) - Cách đây hơn một thế kỷ, ông Nguyễn Đình Khánh - cụ tổ nghề nhiếp ảnh của làng Lai Xá ở Hà Tây (nay là xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã đưa người làng vào Sài Gòn dạy nghề ảnh và khuyến khích họ mở tiệm làm ăn.
Những người lưu giữ lịch sử bằng hình ảnh
Ông Nguyễn Đình Khánh (sinh năm 1884) tên thường gọi là Khánh Ký, được thợ nhiếp ảnh phong là cụ tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Sau khi được học nghề ảnh ở Pháp, ông về Việt Nam mở hiệu ảnh ở Hà Nội, đến năm 1907 thì vào Sài Gòn mở hiệu ảnh ở số 54 đường Boulevard Bonard, nay là đường Lê Lợi, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, ông Nguyễn Đình Khánh đào tạo 30 trai làng Lai Xá học việc và khuyến khích họ mở cơ sở riêng. Chính vì thế, giai đoạn từ năm 1930 đến 1940, có hơn 30 hiệu ảnh của người Lai Xá ở Sài Gòn. Đến năm 2016, còn 9 hiệu ảnh đang hoạt động gồm: Ngọc Chương, Phạm Quý, Tân Tiến, Kim Anh, Mỹ Lai, Trúc Lan, Xuân Hoa, Nguyễn Tiếp, Nguyễn Ngọc.
Hiệu ảnh Mỹ Lai trước đây. |
Tiếp chúng tôi tại hiệu ảnh Mỹ Lai (356 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), ông Nguyễn Đức Vượng, chủ tiệm năm nay đã 62 tuổi là truyền nhân đời thứ 3 của làng nhiếp ảnh Lai Xá. Ông cho biết, hiệu ảnh này đã tồn tại hơn 80 năm: “Ông nội tôi làm nghề ảnh nhưng mất sớm, bố tôi là ông Viên Đoàn tiếp tục theo cụ tổ Khánh Ký học làm ảnh. Khoảng từ năm 1936 đến 1937, bố tôi vào Sài Gòn mở hiệu ảnh gần chợ Tân Định. Tiệm đang làm ăn tốt thì ông giao lại cho em trai quản lý và mở tiếp hiệu ảnh thứ 2 mang tên Mỹ Lai tại đường Lê Lợi. Đến năm 1973 tiệm ảnh Mỹ Lai bị chủ lấy lại mặt bằng nên bố tôi về mua đất ở ngã tư Phú Nhuận đặt tiệm ảnh. Sau khi bố mất, tôi tiếp tục gìn giữ nghề ảnh của gia đình cho đến ngày hôm nay".
Ban đầu, người Lai Xá tạo nền móng cho nghề ảnh ở Sài Gòn và làm chủ thị trường suốt một thời gian dài. Đến những năm 1970 nhiều tiệm nhiếp ảnh của người Hoa ở Chợ Lớn học được kỹ thuật mới nên phát triển mạnh lên, người làng Lai Xá lúc đó cùng nhau họp lại cùng thành lập Nghiệp đoàn chủ nhân nhiếp ảnh tại Nam phần Việt Nam để cùng hợp tác làm ăn, trao đổi kỹ thuật mới. Nhờ tình đoàn kết, mà làng nghề của người Lai Xá được củng cố, vững mạnh hơn.
Sau ngày 30-4-1975, dù việc nhập khẩu nguồn giấy ảnh khó khăn nhưng nghề ảnh của người Lai Xá ở TP Hồ Chí Minh vẫn phát triển ổn định và được Nhà nước hỗ trợ. Năm 1990 là thời hoàng kim của nghề ảnh, toàn thành phố đã có khoảng 200 hiệu ảnh lớn, nhỏ. Mỹ Lai là một trong những tiệm đầu tiên của thành phố bỏ số tiền khổng lồ đầu tư ảnh màu kỹ thuật số. Các thợ nhiếp ảnh được phía công ty máy ảnh tài trợ qua Thái Lan học sử dụng công nghệ mới, các tiệm ảnh cạnh tranh nhau, thời điểm đó đã có thể in ảnh trả cho khách sau 1 giờ chụp. Có công nghệ mới, thay ảnh trắng đen truyền thống nên khách hàng cứ nườm nượp kéo đến tiệm chụp hình. Lúc cao điểm, vào dịp mùng 1 Tết, gia đình ông Đức Vượng chụp khoảng 9.000 tấm ảnh.
Hiệu ảnh Ngọc Chương của người Lai Xá cũng là địa chỉ quen thuộc trong ký ức người Sài Gòn xưa. Đã 63 năm qua, tiệm tọa lạc tại 20B Trần Quang Khải, quận 1 do ông Phạm Ngọc Chương làm chủ. Hiện tiệm do ông Phạm Ngọc Chú, con trai chủ tiệm tiếp quản. Ông Ngọc Chú năm nay đã 74 tuổi là truyền nhân đời thứ 3 của làng nhiếp ảnh Lai Xá cho biết: “Do có được thương hiệu chụp ảnh đẹp, uy tín từ xa xưa, nên những người từng chụp ảnh ở tiệm chúng tôi ngày xưa đến nay vẫn thường dẫn con, cháu quay lại chụp. Nhờ đó tiệm luôn có lượng khách đông, dù hiện nay chúng tôi chỉ chụp ảnh thẻ, ảnh chân dung và phục hồi ảnh cũ...”.
Trăn trở của người làng Lai Xá
Ông Đinh Tiến Mậu (84 tuổi) cũng là thợ ảnh giỏi của người làng Lai Xá. Từ năm 1960, tiệm ảnh Viễn Kính của ông Mậu nổi tiếng khắp Sài Gòn vì chuyên chụp ảnh cho các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thanh Nga, diễn viên Thẩm Thúy Hằng, ca sĩ Bạch Yến, Thái Thanh, NSND Kim Cương, Bạch Tuyết. Hơn 5.000 bức chân dung của nghệ sĩ Sài Gòn xưa được ông Đinh Tiến Mậu chụp và lưu giữ. Nét đẹp của phụ nữ xưa, qua bàn tay xử lý của người thợ ảnh Lai Xá càng lưu luyến lòng người.
Ông Đinh Tiến Mậu tâm sự: “Nghề nhiếp ảnh của người Lai Xá mang lại cho tôi tiếng tăm và sự nghiệp vững chắc. Ngày xưa, mở tiệm ảnh riêng 10 năm, đến năm 1963 là tôi mua được căn nhà ở 277 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 làm trụ sở tiệm ảnh Viễn Kính”.
Sau ngày đất nước thống nhất, con em của người làng nhiếp ảnh Lai Xá, một mặt làm việc cho hiệu ảnh gia đình, một mặt họ trở thành lực lượng phóng viên ảnh nòng cốt của các tờ báo ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đức Vượng chủ tiệm ảnh Mỹ Lai từng có 15 năm làm phóng viên ảnh cho tờ báo Khăn Quàng Đỏ. Ông Đinh Tiến Mậu vừa chăm lo tiệm ảnh Viễn Kính vừa làm phóng viên ảnh cho tờ báo Tuổi Trẻ, rồi cộng tác cùng nhiều tờ báo khác. Họ lăn lộn khắp các ngả đường thành phố để kể những câu chuyện bằng những hình ảnh chân thật nhất.
Do con cái không theo nghề ảnh của bố nên tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu buộc phải đóng cửa hơn 10 năm nay. Khi lên 10 tuổi ông Mậu đã được học nghề ảnh truyền thống, hơn 60 năm gắn bó với chiếc máy ảnh trên tay nên việc phải đóng cửa tiệm ảnh là một điều khiến ông nuối tiếc trong suốt thời gian dài. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng để bớt nhớ nghề, thi thoảng ông Mậu lại đưa những bức ảnh chụp nghệ sĩ xưa đi tham dự các triển lãm. Những tư liệu quý về nghề ảnh Lai Xá cũng được ông gửi lại cho Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá ở huyện Hoài Đức, Hà Nội tiếp nhận.
Không như ông Mậu, ông Đức Vượng chủ tiệm ảnh Mỹ Lai là người cầu tiến. Bao năm qua, ông luôn tìm hiểu tham gia vào công nghệ mới trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Hiện nay, ông đang muốn đầu tư đưa công nghệ làm photobook (sách ảnh) kết hợp với công nghệ in ảnh hiện đại về tiệm, nhưng lại đắn đo vì hai vợ chồng đã lớn tuổi trong khi các con không mặn mà theo nghề.
Các thiết bị lưu trữ hình ảnh bằng thẻ nhớ ra đời khiến nhu cầu chơi ảnh giấy sụt giảm, các hiệu ảnh người Lai Xá làm ăn khó khăn hơn. Ngoài hiệu ảnh Viễn Kính, 25 hiệu ảnh khác của người Lai Xá ở TP Hồ Chí Minh lần lượt đóng cửa trong thời gian qua. Trong 9 tiệm ảnh còn hoạt động, nhiều tiệm đã dời vào con hẻm, để nhường mặt bằng lớn cho các hộ thuê kinh doanh hàng tiêu dùng.
Những người già làng Lai Xá đang trở trăn giữa thành phố hoa lệ...!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.