(HNM) - Với sự đổi mới chương trình giáo dục, nhiều nhà trường đã kết hợp với đơn vị lữ hành tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế để mang lại hiệu quả trong học tập. Vì thế, du lịch học đường đang trở thành sản phẩm được nhiều đơn vị đầu tư, góp phần vào phát triển du lịch, tăng sức hút cho điểm đến.
Từ hoạt động giáo dục di sản
Du lịch học đường đã trở thành một trong những hoạt động phổ biến tại các nhà trường, với nhiều hình thức: Tham quan, vui chơi kết hợp giáo dục di sản, trải nghiệm trang trại giáo dục ở ngoại thành…
Hơn 10 năm nay, nhiều điểm di tích của Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình giáo dục di sản, mang đến hiệu quả cho sản phẩm du lịch học đường. Cụ thể, tại di sản Hoàng thành Thăng Long diễn ra chương trình “Em làm nhà khảo cổ”; Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai chương trình “Em học làm thuyết minh”; di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và lịch sử Thăng Long - Hà Nội”…
Nói về hiệu quả các chương trình giáo dục di sản, Phó Trưởng phòng phụ trách Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết, trung bình một tháng trung tâm đón khoảng 10.000 lượt học sinh đến học tập, tham quan và trải nghiệm. Học sinh được tham gia nhiều hoạt động, như: Đào cổ vật trong hố giả định, tìm hiểu các thời kỳ lịch sử, lấy nước giếng cổ… Còn theo Giám đốc Công ty Long Link Việt Nam Tăng Thị Thu Hà, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức các hoạt động cho học sinh theo từng chủ đề tại khu vực Hồ Văn, với mức phí hợp lý.
Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường du lịch học đường, rất nhiều đơn vị đã xây dựng sản phẩm mới để thu hút học sinh. Tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã ra mắt sản phẩm du lịch học đường giáo dục di sản, với tên gọi "Thăng Long - Hà Nội: Xưa và nay", đưa học sinh đi tham quan tìm hiểu văn hóa Hà Nội tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, bước đầu tạo được tour du lịch hấp dẫn dành cho học sinh. Hay gần đây, Công ty Lữ hành Flamingo Redtours kết hợp với Ban Quản lý di tích lịch sử đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) xây dựng tour du lịch học đường kết nối các trường học trên địa bàn Hà Nội với đất Tổ.
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Sản phẩm du lịch học đường không chỉ là những hoạt động giáo dục di sản, mà nhiều năm nay, các nhà trường phối hợp với công ty lữ hành mở rộng phạm vi trải nghiệm cho học sinh ở khu vực ngoại thành. Nhiều mô hình trang trại giáo dục trở thành điểm vui chơi lý tưởng cho học sinh bồi dưỡng kỹ năng sống, tìm hiểu lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như mô hình trang trại giáo dục Erahouse (quận Long Biên); Vạn An (huyện Thanh Trì); cánh buồm Xanh (huyện Gia Lâm); Dê Trắng, Đồng Quê, Eduland (huyện Ba Vì)...
Mặc dù, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển các mô hình du lịch học đường, song theo nhiều chuyên gia, hình thức du lịch này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Ánh Dương Tours Nguyễn Anh Tuấn, các sản phẩm du lịch học đường chỉ khai thác được ngắn ngày (1-2 ngày) và tùy vào từng thời điểm, nên đơn vị gặp không ít khó khăn để tổ chức thành những tour, tuyến mang tính dài hơi. Bên cạnh đó, đối tượng học sinh còn thiếu kỹ năng tự bảo vệ, tiềm ẩn không ít rủi ro, nên các đơn vị tổ chức gặp nhiều khó khăn và áp lực.
Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, phần lớn các nhà trường kết hợp với những đối tác thân thiết, nên sản phẩm du lịch học đường còn thiếu tính sáng tạo, hình thức tổ chức hay bị lặp lại. Sau dịch Covid-19, không ít đơn vị gặp khó khăn về tài chính, nên chưa có sự đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ, hạ tầng.
Để phát huy hiệu quả loại hình du lịch học đường, Giám đốc Công ty Lữ hành Ánh Dương Tours Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các nhà trường nên làm việc kỹ với đơn vị đối tác, đặt hàng nội dung tổ chức cụ thể để bảo đảm chương trình tour diễn ra chất lượng, an toàn và chuyên nghiệp.
Trong khi đó, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho hay, đơn vị thực hiện tour du lịch học đường cần có thời gian thử nghiệm, đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ cho đoàn đông, các khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn của khu vui chơi, trải nghiệm.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, các đơn vị kinh doanh du lịch cần có sự đầu tư sản phẩm phù hợp với từng lứa tuổi; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá tới các nhà trường để mang tới những trải nghiệm mới, hấp dẫn hơn cho học sinh. “Hà Nội có thể đẩy mạnh triển khai sản phẩm du lịch học đường cho không chỉ các trường học của Thủ đô, mà có thể thu hút học sinh các tỉnh, thành phố lân cận”, bà Đặng Hương Giang cho hay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.