(HNM) - Bên cạnh những nét đẹp có ý nghĩa văn hóa tinh thần, ở không ít nơi, việc hiếu việc hỷ vẫn còn giữ nhiều tập quán lạc hậu và ngày càng có xu hướng tổ chức phô trương, lãng phí. Xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây cũng là một trong những làng quê như vậy, nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, việc tổ chức hiếu, hỷ ở đây đã có nhiều chuyển biến.
Một góc làng quê Sơn Đông. Ảnh: Mai Nguyễn |
Là làng cổ nằm bên hữu ngạn sông Tích với 18 làng kẻ: Kẻ Đầm, Kẻ Xiết, Kẻ Gạo, Kẻ Ngưi... Sơn Đông còn giữ nhiều phong tục lạc hậu ăn sâu, bám rễ vào mỗi con người, mỗi gia đình. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Long Giang vẫn chưa thể quên việc tổ chức tang lễ ở địa phương chỉ cách đây chừng ba năm. Ngày ấy, nhà nào có đám, ngoài nỗi đau mất người thân, tất bật lo kèn trống gia chủ phải lo tới 4-5 con lợn nặng hàng tạ, chưa kể thịt gà, bò, giò chả… Hàng trăm người họ hàng, láng giềng được huy động tới làm giúp trong hai ngày để phục vụ cỗ bàn và tiếp khách đến viếng người quá cố. Vì vậy, một đám tang, dù tiết kiệm, gia chủ cũng phải chi khoảng 40-50 triệu đồng. Nhà có đã vậy, nhà khó cũng phải cố vay mượn, xoay sở để làm tang cho người thân được bằng người. Là xã thuộc vùng đồi gò, kinh tế còn nhiều khó khăn, gánh nặng tang gia khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Có không ít gia đình vừa mới thoát nghèo lại tái nghèo do vướng việc tang.
"Biết là tốn kém, dềnh dang thật nhưng chẳng ai dám "phá lệ làng", ngược lại, cứ đám sau lại phải cố sao cho to hơn đám trước", Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Long Nhượng cho biết. Không thể kéo dài mãi tình trạng ấy, Sơn Đông đã tổ chức hội nghị bàn việc xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội. Trên cơ sở đồng thuận của nhân dân, Đảng ủy xã Sơn Đông đã ra nghị quyết chuyên đề, chọn xây dựng nếp sống văn minh trong thực hiện việc tang làm đột phá. Trong đó, nhấn mạnh việc không tổ chức ăn uống, cỗ bàn linh đình khi nhà có tang. Ngay sau đó, chính quyền đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, quy ước triển khai để toàn dân cùng thực hiện.
Đến nay, việc tổ chức tang lễ ở Sơn Đông đã đơn giản hơn. 100% hộ gia đình có tang đã không tổ chức cỗ bàn, ăn uống linh đình mà chỉ sắp cơm canh cho con cháu trong nội tộc. Các đám tang không theo hủ tục như phạt mộc, yểm bùa, gọi hồn… sử dụng nhạc hiếu đúng giờ quy định… Việc này đã mang lại hiệu quả tốt, nếu như trước đây, mỗi đám tang chi phí 40-50 triệu đồng thì nay chỉ mất từ 5 đến 10 triệu đồng.
Việc tang đã có chuyển biến lớn, xã Sơn Đông tiếp tục phát động người dân thực hiện việc cưới theo nếp sống mới. Theo ông Hoàng Long Nhượng, trước đây lễ chạm ngõ ít cũng phải làm 20-30 mâm cỗ. Không chỉ vậy, lớp trẻ còn chạy theo thị hiếu, mỗi đám cưới đều chi dăm bảy chục triệu đồng cho các khoản "ngoài lề" khác như: chụp ảnh, nhạc sống, quay video, MC, thuê xe ô tô sang trọng. Ở nông thôn, nhà có của không nhiều, đa số trông vào hạt lúa, con lợn, con gà... nên những khoản ấy đã đè lên đôi vai gầy của người nông dân và để lại không ít khó khăn cho đôi vợ chồng trẻ khi ra ở riêng. Trước thực trạng ấy, từ đầu năm 2012, Sơn Đông đã đồng loạt triển khai đổi mới việc cưới ở cả 18/18 thôn. Các thôn cùng tổ chức hội nghị nhân dân bàn về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, trọng tâm là việc cưới hỏi. Mặc dù còn không ít khó khăn, song nhiều gia đình đã đồng tình và nhiều đám cưới trong làng đã tiết kiệm hơn mà vẫn vui tươi.
Sơn Đông đang xây dựng nông thôn mới, những chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa mới hỗ trợ rất nhiều cho Ban chỉ đạo xã tổ chức thực hiện các tiêu chí đưa ra trong đề án, đặc biệt là tiêu chí văn hóa, môi trường, an ninh trật tự, bước đầu tạo được phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới sôi nổi trong nhân dân. Nhiều gia đình đã chung sức cùng chính quyền tham gia đóng góp trên 6.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi, đường giao thông nông thôn, đem lại diện mạo mới cho làng quê này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.