(HNM) - Thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập, vì sao nhà này giàu, nhà kia nghèo. Câu hỏi tưởng như
Có dịp về xã Phương Trung (Thanh Oai) tôi lại càng hiểu rõ hoàn cảnh của người dân nơi đây. Nghề nông có lẽ chỉ ổn định cuộc sống mà vất vả lắm cũng khó giàu có được.
Nhiều người dân xã Phương Trung giữ nghề làm nón truyền thống để tăng thêm thu nhập.
Xã Phương Trung nếu xét về điều kiện sản xuất nông nghiệp, thuộc loại khó khăn nhất, nhì ở huyện Thanh Oai. Nhưng tiếp chuyện chúng tôi ông Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Toán rất phấn khởi "dân xã tôi thuộc loại ổn nhất vùng". Quả thật, dù điều kiện khó khăn nhưng Phương Trung được cái mạnh dạn "cày đường". Ông Toán thống kê xã có tới trên 16.000 dân với 4.120 hộ, so với các xã nhỏ trong huyện dân số gấp 4 lần, mức trung bình cũng gấp hai. Nhưng đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 239ha, chia theo đầu nhân khẩu hiện nay chắc chỉ 100m2. Ruộng đất ít nhưng không bằng phẳng, nơi đồng cao, nơi trũng, sản xuất manh mún. Nhiều năm nay, xã đã vận động nông dân dồn ô đổi thửa nhưng chưa làm được là bao. Ruộng đất bạc màu, dân đông là vậy nhưng ở Phương Trung vẫn xuất hiện nhiều đại gia, có ô tô riêng.
Về xã vào một buổi sáng sớm, chúng tôi lang thang trên cánh đồng các thôn Quang Trung, Liên Tân… nhưng thật khó để tìm được người làng. Bởi "Họ lên phố hoặc ra chợ làm ăn hết rồi, bám ruộng thì đất có đáng là bao" - Chủ nhiệm HTX Phạm Văn Quyết phân trần - toàn xã có tới 60-70% lao động thoát ly hoàn toàn nông nghiệp, ruộng cho thuê hoặc cho anh em người nhà mượn và chỉ còn 30-40% làm nông nghiệp, nói là làm ruộng nhưng làm rất ít, thời gian làm nghề thủ công là chính. Ông Quyết còn khoe, so với mặt bằng chung trong huyện, Phương Trung đứng vào tốp đầu phát triển kinh tế. Trong khi nếu nhìn vào điều kiện sản xuất của họ, có lúc ai đó đã phán rằng nếu dân Phương Trung thoát nghèo có chăng là chuyện lạ. Riêng về chuyện đường bê tông, nhà cao tầng, giá đất và hoạt động của chợ cũng đủ minh chứng Phương Trung vượt trội hẳn các xã lân cận. Dọc trục đường liên thôn, giá đất cũng lên tới 50-60 triệu đồng/m2, trong khi các xã lân cận, giá đất chỉ bằng 1/3.
Phó Chủ tịch xã Phạm Văn Toán cho hay, "ngày xưa dân xã tôi nghèo lắm. Làm ruộng khổ quá nên chẳng biết từ lúc nào họ tôi luyện được quyết tâm phải bứt ra. Hiện thế mạnh để thoát nghèo của địa phương là đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ, phát triển ngành nghề. Nhưng cũng nhờ cái nghèo đeo đẳng bao đời mà người dân quê này làm nghề gì cũng giỏi… việc gì cũng làm. Dù ruộng đồng có mất mùa vụ này sang vụ khác, số hộ nghèo ở đây cũng không vì thế mà gia tăng. "Dân tôi là dân làm ăn, với đủ nghề như làm nón, làm mộc, làm mắc áo, đây được coi như thủ phủ sản xuất mắc quần áo của cả miền Bắc. Có tiền hay không chưa biết chứ cứ đi buôn bán làm ăn xa làng là cũng ấm cái bụng và đời sống ngày càng khấm khá hơn" - ông Toán khẳng định.
Tuy nhiên, trong cái rạng rỡ ấy, cũng vẫn phảng phất một chút buồn khi nghe ông Lê Văn Thực, trưởng thôn Quang Trung nửa như kể nể, nửa như than vãn: "Hiện ở Phương Trung chỉ còn 10,7% số hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2011 của TP. Nhưng điều đáng nói là trong số hộ giàu của xã hầu như chẳng có một gia đình nào làm ruộng. Làm nông nghiệp ở đây đủ ăn là may rồi. Còn những nhà giàu ở xã có liên quan đến nghề nông một chút là các thương lái buôn bán nông sản ở các vùng khác về tiêu thụ tại đây"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.