Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện không chỉ của ''xóm đường tàu''

Hà Anh| 01/10/2022 14:01

(HNMCT) - Đã hơn chục ngày qua nhưng câu chuyện “cà phê đường tàu” vẫn để lại nhiều dư âm.

Sau khi cơ quan chức năng thông tin sẽ đóng cửa, thu hồi giấy phép kinh doanh của các quán “cà phê đường tàu”, báo chí và mạng xã hội đã có nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài một số bày tỏ tiếc nuối một điểm check-in tự phát, thu hút đông giới trẻ và du khách thì phần lớn đồng thuận với chủ trương dẹp bỏ một thứ “đặc sản tiêu cực” của Thủ đô, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông.

Thực ra chuyện “cà phê đường tàu” đã rộ lên từ khoảng năm 2018 - 2019, khi dọc hành lang đường sắt khu vực Cửa Nam, kéo dài từ phố Lê Duẩn tới Phùng Hưng, mọc lên nhiều quán cà phê và một số quán nhậu bình dân. “Không gian” mới mẻ này thu hút một lượng lớn giới trẻ và du khách đến trải nghiệm, nhanh chóng trở thành điểm check-in nổi tiếng trên mạng xã hội, thậm chí xuất hiện cả trên tạp chí du lịch quốc tế. Từ cuối năm 2019, sau nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng, đồng thời dịch Covid-19 bùng phát, “phố cà phê đường tàu” rơi vào trầm lắng.

Tưởng thế là yên ắng, nhưng khi dịch dã cơ bản được kiểm soát, bước vào nhịp sống “bình thường mới” thì “phố cà phê đường tàu” nhộn nhịp trở lại. Cũng dễ hiểu bởi du khách luôn có nhu cầu khám phá, trải nghiệm những không gian đô thị mang đậm ký ức xưa cũ, chưa kể “cảm giác mạnh” mà điểm đến này mang lại. Ngoài ra, sự “tái xuất” của “phố cà phê đường tàu” còn vì nhu cầu sinh kế của hàng chục gia đình sinh sống lâu đời trong hành lang an toàn đường sắt.

Dưới góc nhìn quản lý đô thị, rõ ràng việc khu vực này trở thành điểm check-in nổi tiếng thế giới không có gì đáng tự hào. Hay nói cách khác, đóng cửa, thu hồi giấy phép các quán “cà phê đường tàu” là chuyện phải làm. Tuy nhiên, để giải quyết được triệt để thực trạng này thì không chỉ trông vào những biện pháp hành chính đơn thuần. Những đợt “ra quân” lập lại trật tự đô thị khó mang đến hiệu quả triệt để, lâu dài nếu không có những giải pháp căn cơ, bền vững, vừa hướng đến mục tiêu phát triển đô thị văn minh, hiện đại, vừa mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Ở một góc nhìn rộng hơn, có thể thấy “phố cà phê đường tàu” chỉ trở thành vấn đề nóng của dư luận xã hội khi nó thu hút nhiều người đến check-in, trải nghiệm. Trước đó nơi này cũng trầm lặng như bao khu dân cư khác không may nằm sát cạnh hành lang đường sắt, trong đó có những ngôi làng cổ ở nội, ngoại thành. Nói “không may” là bởi vì những cư dân “xóm đường tàu” thường xuyên bị “tra tấn” bởi tiếng ồn và bụi bặm. Lắm hôm sáng sớm mở cửa ra bị “dính” ngay mùi hôi thối do chất thải trên chuyến tàu đêm xả xuống, bất chấp đó là khu vực dân cư ở nội đô. Ấy là chưa kể tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, thường xuyên xảy ra ở các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt mỗi khi có tàu hỏa chạy qua (nhiều khi chỉ là một chiếc đầu máy chạy qua, chạy lại…). Đáng nói là đã sang thế kỷ XXI từ rất lâu rồi nhưng hạ tầng, cơ sở vật chất của ngành Đường sắt vẫn lạc hậu, cũ kỹ, xuống cấp, đặc biệt là hệ thống gác chắn dọc tuyến Bắc - Nam hay các tuyến khác vẫn chủ yếu “chạy bằng cơm”. Thế nên khó cạnh tranh, thậm chí tụt hậu, thua lỗ… là điều dễ hiểu.

Chính vì vậy “cà phê đường tàu” không chỉ là chuyện của “phố cà phê đường tàu” mà còn là vấn đề quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị. Rõ ràng một Thủ đô hiện đại, văn minh, một thành phố bình yên, đáng sống không thể để tồn tại những khu dân cư lộn xộn, nhếch nhác sát cạnh hành lang đường sắt (hoặc ngược lại, không thể tồn tại những hành lang đường sắt hay cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu của ngành đường sắt nằm sát khu dân cư?!). Và đây còn là vấn đề của ngành Đường sắt Việt Nam, bởi đổi mới, hiện đại hóa, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động để "con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui" không chỉ là mong mỏi của bao thế hệ cư dân ở những "xóm đường tàu".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện không chỉ của ''xóm đường tàu''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.