Bạn đọc

Quy định dừng hoạt động dịch vụ ở “phố cà phê đường tàu”: Nơi làm nghiêm, nơi lơi lỏng

Nhóm Phóng viên 16/12/2023 - 06:16

Hơn một năm qua, cơ quan quản lý đã chính thức có yêu cầu dừng mọi hoạt động tham quan và kinh doanh tại “phố cà phê đường tàu”.

Tuy nhiên, trong khi đoạn đường tàu từ phố Trần Phú đến phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) được đặt hàng rào ngăn, bên trong có công an đứng giám sát, thì ở phía đối diện, đoạn đường tàu từ trạm chắn phố Trần Phú đến trạm chắn Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), hằng ngày vẫn có cả trăm du khách vô tư “vượt rào”, tự do đi lại, chụp ảnh…; hoạt động kinh doanh cũng tấp nập như chưa hề có lệnh cấm.

pho-ca-phe-duong-tau.jpg
Du khách xếp hàng chờ vào “phố cà phê đường tàu” trên địa bàn phường Điện Biên (quận Ba Đình).

Quản lý còn lỏng lẻo

Tháng 8-2022, để bảo đảm an toàn giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội phối hợp xử lý tình trạng du khách tụ tập quay phim, chụp ảnh vi phạm hành lang an toàn đường sắt; người dân bán hàng cà phê, giải khát và các mặt hàng khác tại “phố cà phê đường tàu” thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Căn cứ vào đề nghị này và qua điều tra thực tế, từ ngày 14-9-2022, “phố đường tàu” đoạn chạy qua phố Phùng Hưng vào Ga Hà Nội đã được rào chắn (di động) ở vị trí giáp với các tuyến phố: Trần Phú, Điện Biên Phủ, Cửa Nam… và được đặt biển cấm người qua lại.

Mặc dù có biển cấm, khu vực này mỗi ngày vẫn ghi nhận nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, khiến các tuyến phố nói trên có thời điểm ùn tắc. Đặc biệt, qua khảo sát vào các khung giờ 11-13h và 15-17h hằng ngày, khi nắm chắc lịch tàu hỏa không chạy qua, cũng như lợi dụng thời điểm lực lượng chức năng lơi lỏng, người kinh doanh trên “phố cà phê đường tàu” đoạn từ phố Trần Phú đến phố Điện Biên Phủ (phường Điện Biên, quận Ba Đình) đã tự ý mở rào cho du khách đi lại, tham quan. Điều đáng nói, hiện tượng trên xảy ra ngay bên cạnh khu vực "phố cà phê đường tàu" thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được dừng triệt để.

Chính vì sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng chức năng tại "phố cà phê đường tàu" thuộc địa bàn quận Ba Đình, nên trên mạng xã hội, một số diễn đàn về du lịch vẫn “mách” du khách cách tham quan theo đường “tiểu ngạch”. Chị Trương Nguyệt Minh cùng chồng là anh Devin (quốc tịch Mỹ) cho biết, vợ chồng chị dự kiến ra Hà Nội vào dịp Noel năm nay và được nhiều bạn bè chỉ cách “vượt rào” vào “phố cà phê đường tàu”. Trong khi đó, nhiều du khách vẫn quen gọi đoạn phố từ Trần Phú đến phố Điện Biên Phủ là “phố đường tàu mới”...

Cần xử lý triệt để vi phạm

Theo Trung tá Phùng Văn Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), hiện tại khu vực đường sắt chạy qua "phố cà phê đường tàu” cắt ngang các phố: Trần Phú, Điện Biên Phủ, Cửa Nam thuộc quản lý của quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đã được lắp các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, không tụ tập đông người, không quay phim chụp ảnh; không kê bàn ghế bày bán hàng trong lòng và hai bên đường sắt… Đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ phối hợp cùng công an quản lý địa bàn giám sát các hộ kinh doanh trên dọc tuyến đường thực hiện đúng cam kết đã ký với cơ quan chức năng.

Còn Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định, đơn vị đã giao Công an các phường Hàng Bông, Cửa Đông thường xuyên bố trí 2 chốt chặn vào “phố cà phê đường tàu” ở đoạn giáp phố Trần Phú và lối băng qua đường tàu trên phố Phùng Hưng. Bất kỳ hành vi vi phạm nào đều bị xử lý triệt để.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Hoàng Anh cho biết, để duy trì an ninh trật tự, hằng ngày, phường Hàng Bông đã bố trí lực lượng chốt chặn, không cho phép khách đi vào khu vực đường tàu. Việc ngăn chặn được xử lý triệt để ở cả khu vực có nhiều ngõ nhỏ, thông từ “phố cà phê đường tàu” đến phố Phùng Hưng và phố Lý Nam Đế.

Liên quan đến tình trạng "phố cà phê đường tàu" ở khu vực từ phố Trần Phú đến phố Điện Biên Phủ vẫn hoạt động lén lút, UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) cam kết trong thời gian tới sẽ yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm văn minh đô thị.

Về giải pháp lâu dài, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần kiên quyết dẹp bỏ các dịch vụ vi phạm hành lang an toàn đường sắt; không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách và người dân. Theo các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3m. Với các tuyến đường sắt đang khai thác, bất kỳ hoạt động nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn này đều là hành vi vi phạm. “Khách du lịch có thể thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê hay buôn bán trên đường ray thực sự rất nguy hiểm, không thể xem là một nét văn hóa", ông Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định dừng hoạt động dịch vụ ở “phố cà phê đường tàu”: Nơi làm nghiêm, nơi lơi lỏng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.