(HNM) - 10 giờ 30 ngày 18-10, chị M có mặt ở phòng giao dịch của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV-53-phố Quang Trung-Hà Nội). Sau một giờ đồng hồ làm thủ tục rút và gửi tiền, chứng kiến cách làm việc của nhân viên giao dịch ở đây, chị M thật sự băn khoăn, không hiểu vì sao BIDV lại để tồn tại một quầy giao dịch “dở” đến thế?
Cũng như mọi khách hàng đến giao dịch ở đây, vào cửa chị M rút phiếu để biết số thứ tự của mình. Rút được số 51, chị M vào ghế ngồi đợi ( khi đó phòng giao dịch đang phục vụ số 44). Sau chị tiếp tục có thêm vài người nữa, họ cũng ngồi chờ. Chừng 15 phút, có hai vị khách vào. Hai vị khách này đi thẳng đến cửa số 2, đi cùng họ có một nhân viên giao dịch. Thấy vậy, chị M hỏi:
- Tại sao hai vị đến sau lại được giao dịch trước?
Nhân viên phòng giao dịch đi cùng trả lời:
- Không phải hai vị khách này được giao dịch trước, mà họ gửi nhiều tiền nên em dẫn họ đến cửa quy định giao dịch nhiều.
Nhìn thấy hai vị khách nọ đang làm thủ tục gửi 20.000 USD, chị M hỏi nhân viên ngân hàng:
- Anh bảo không phải giao dịch thì họ đang làm gì kia? Tại sao ngân hàng lại thiếu tôn trọng khách như vậy? Đã vào đến đây, người gửi ít tiền và người gửi nhiều tiền đều phải được tôn trọng như nhau! Ngân hàng quy định vào giao dịch phải bốc số thứ tự để làm gì?
Lúc ấy có một nhân viên khác đến hướng dẫn chị M đến cửa số 6. Nhưng rồi ở đó, trong quá trình giao dịch cũng nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”. Chẳng là chị M rút tiền, rồi lại gửi thêm, hai chị nhân viên của ngân hàng phục vụ khá lúng túng. Sau một hồi thì thầm to nhỏ, họ đã đưa chị M những giấy tờ để khai rút tiền, gửi tiền. Nhưng, khi điền vào các giấy tờ đó những thông tin cần thiết, ký tên và đưa trở lại, thì một nhân viên bảo:
- Chữ ký của chị không đúng với chữ ký mẫu đã có trong máy tính của ngân hàng.
Chị M đã phải ký đến cả chục chữ khác, hy vọng tìm cho được một chữ ký giống hệt chữ ký mẫu lưu trong máy tính mà những lần trước đã gửi tiền. Đến nước này chị M đành cam đoan:
- Nếu thấy còn nghi ngờ, ngân hàng có thể mang các chữ ký này đến ngành chức năng giám định sẽ rõ. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.
Quan sát xung quanh, chị M nhận ra không phải chỉ có mình, mà ngay cả nhiều khách hàng gửi tiền khác cũng không được tư vấn “đến đầu đến đũa”. Đã thế, trong khi đợi làm thủ tục, chị M ngẩng lên nhìn thấy dòng chữ: “ Đề nghị quý khách vui lòng kiểm tra lại số lượng và chất lượng tiền nhận tại quầy. Quý khách phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tiền đã nhận sau khi rời khỏi quầy”. Đọc qua tưởng như dòng chữ ấy là để nhắc nhở khách hàng “hãy cẩn thận”, nhưng thực ra đây là điều đánh đố. Thứ nhất, khi nhận tiền, phải kiểm tra lại số lượng thì đúng rồi; nhưng chất lượng thì làm sao khách hàng có thể kiểm tra được? Có chăng thì chỉ biết tờ tiền rách hay lành, cũ hay mới, còn tiền giả hay tiền thật, nhất là đối với các loại ngoại tệ, thì làm thế nào chỉ bằng mắt thường mà khách hàng biết được? Thứ hai, tại sao ngân hàng không có kẹp chì, khẳng định tiền của ngân hàng khi trả cho khách là tiền thật, để khi giao dịch tiếp theo bảo đảm độ tin cậy ngay?
Phải mất hơn một giờ đồng hồ (đến 11giờ 30), chị M mới nhận được sổ gửi tiết kiệm tại đây, trong khi nếu cũng làm các thủ tục tương tự ở các phòng giao dịch của các ngân hàng khác chỉ mất 15 phút. Thiết nghĩ, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều tìm mọi cách để thu hút, “giữ chân” khách hàng, thì cách phục vụ tại phòng giao dịch 53-Quang Trung của BIDV thật sự... không thể chấp nhận được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.