Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển động tích cực

Chí Kiên| 27/03/2022 06:11

(HNM) - Ngành Xuất bản đang chứng kiến những hướng đi đầy triển vọng. Một trong số đó là sự xuất hiện của những cuốn sách, truyện song ngữ Việt - Anh, Anh - Việt hoặc một số ngôn ngữ khác của các tác giả trong nước. Với việc chú trọng đầu tư về chất lượng dịch thuật và hình thức thể hiện sách song ngữ đã thu hút một phân khúc người đọc nhất định.

Không khó để nhận ra xu hướng tích cực này khi nhiều cuốn sách song ngữ xuất bản gần đây đã được độc giả đón nhận nhiệt tình. Với thể loại đa dạng, đề tài phong phú, sách song ngữ đã tiếp cận đến nhiều đối tượng độc giả, đặc biệt là trẻ em với những cuốn truyện tranh lôi cuốn, hấp dẫn và nội dung ý nghĩa. Ngoài lan tỏa văn hóa đọc, tiếp cận kho tàng tri thức, những trang sách song ngữ giàu xúc cảm, mới mẻ còn giúp người đọc thêm yêu tiếng Việt đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Bên cạnh phục vụ tốt nhu cầu độc giả trong nước, nhiều cuốn sách song ngữ của tác giả Việt còn được các nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền. Tín hiệu tích cực này là cơ hội để sách Việt “vươn ra biển lớn” và nhìn rộng ra, còn cho thấy hướng phát triển rất được ngành Xuất bản mong đợi là “xuất khẩu sách”.

Thực tế, sách song ngữ đang có nhiều dư địa để phát triển. Ngoài thị trường trong nước nhiều tiềm năng, sách song ngữ là một giải pháp tối ưu để tiếp cận độc giả ngoài nước. Như vậy có thể khẳng định, xuất bản sách song ngữ là cách làm sách hiện đại, phù hợp với xu hướng của ngành Xuất bản thế giới. Tuy vậy, vấn đề mà các tác giả, nhà xuất bản cần quan tâm hiện nay là phải sáng tác ra những tác phẩm sách hay, thu hút được độc giả. Những đề tài có thể tham khảo là truyện giả tưởng, lịch sử, văn hóa dân tộc, phong tục tập quán, các vấn đề toàn cầu như môi trường, bảo tồn thiên nhiên, tình cảm gia đình, kỹ năng sống, bảo vệ trẻ em… Việc lựa chọn được đề tài phù hợp cùng cách thể hiện sinh động, lôi cuốn chính là “cái gốc” để xuất bản sách song ngữ đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngoài sách do tác giả trực tiếp viết bằng tiếng nước ngoài thì việc chuyển ngữ sách cũng là một vấn đề quan trọng. Các đơn vị xuất bản cần hình thành đội ngũ dịch thuật và hiệu đính chuyên nghiệp, đáp ứng được mọi yêu cầu công việc. Phải nỗ lực để việc chuyển ngữ giữ được “hồn cốt”, các tầng lớp ngữ nghĩa của tác phẩm gốc, đồng thời phù hợp với nền văn hóa của ngôn ngữ được dịch. Người dịch luôn phải có góc nhìn, coi dịch là con đường quan trọng để giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra với thế giới.

Ở góc độ các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Xuất bản, cần có một chiến lược lâu dài, toàn diện để “xuất khẩu sách” mà một trong những giải pháp căn cơ là có định hướng phát triển lĩnh vực xuất bản sách song ngữ. Cụ thể hơn, cần có sự kết nối giữa người viết sách, dịch giả, nhà nghiên cứu và sự chủ động từ nhà xuất bản. Mặt khác, cần xây dựng lộ trình đưa sách song ngữ đến với độc giả trong và ngoài nước bằng việc đẩy mạnh hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sách song ngữ tại các hội chợ sách quốc tế…; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm cập nhật xu thế xuất bản của thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài hiểu hơn về lĩnh vực xuất bản của nước ta. Đặc biệt, cần nghiên cứu thành lập các trung tâm hoặc nhóm chuyên gia dịch thuật, phụ trách bản quyền một cách chuyên nghiệp để sẵn sàng bảo vệ quyền tác giả, quyền tác phẩm nếu có vi phạm xảy ra.

Xuất bản sách song ngữ là chuyển động tích cực để sách Việt đi ra với thế giới, xa hơn là ngành Xuất bản nước ta từng bước hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển động tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.