(HNM) - Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí Việt Nam, song trước mắt vẫn là một chặng đường dài và khó khăn. Để có thể gặt hái thành công, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp, lấy độc giả làm trung tâm và xây dựng văn hóa sử dụng dữ liệu làm nền tảng cho hoạt động và việc vận hành của tòa soạn.
Chuyển đổi số bắt đầu từ chuyển đổi tư duy
Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện, cách mạng 4.0 và internet có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam. Do độc giả đã thay đổi thói quen và cách thức tiếp cận báo chí nên báo chí truyền thống phải thay đổi để thích ứng và phục vụ bạn đọc hiệu quả hơn. Sự thay đổi đó là chuyển đổi số.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và bảo đảm sự phát triển bền vững, nhiều cơ quan báo chí đã tiên phong về chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), lưu trữ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big Data)… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: Cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí công dân, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo. Các xu hướng này cũng tạo ra trải nghiệm tốt hơn, gần gũi và đa dạng hơn cho độc giả ở khía cạnh tiếp cận thông tin, nâng cao tri thức, giáo dục, giải trí... - những chức năng chính của báo chí.
Thông tấn xã Việt Nam là một trong số các cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số từ sớm. Trong sản xuất, khai thác thông tin, Thông tấn xã Việt Nam đã đẩy mạnh việc sử dụng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài. Các đơn vị sản xuất tin đồ họa, tin truyền hình của Thông tấn xã Việt Nam đã ứng dụng phần mềm trực tuyến và các nền tảng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi. Một số cơ quan báo chí khác như VOV, VTV, Nhân Dân, VnExpress, Zing... cũng trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chuyển đổi số của báo chí Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức cả về nhận thức, công nghệ, kinh phí và nguồn nhân lực. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhận định, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. “Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà là ở con người và tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số” - ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Lan tỏa thông tin chính thống, "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu"
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Việt Nam đã đưa ra mục tiêu chung là: Báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.
Chiến lược đã đề ra những mục tiêu cụ thể, theo đó, đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí...
Chiến lược cũng nhấn mạnh 6 quan điểm đối với báo chí Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là: Phát triển và quản lý tốt nội dung báo chí trên các nền tảng số, làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập chủ quyền trên không gian mạng, giữ vững vai trò dẫn dắt thông tin và định hướng dư luận xã hội; nền tảng là công nghệ là động lực đột phá; người đọc, người xem làm trung tâm; cải cách toàn diện, phát triển hệ sinh thái truyền thông số ở Việt Nam; phát triển mô hình truyền thông số, tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam với các nền tảng xuyên biên giới.
Với nhận thức chuyển đổi số không chỉ là bức tranh màu hồng, Báo Hànộimới, trong tầm nhìn chiến lược của mình, đã xác định những hạn chế cần phải vượt qua và kiên trì trong tiến trình chuyển đổi. Quan sát chuyển động đời sống báo chí, Báo Hànộimới bám sát tôn chỉ mục đích, tìm cách thể hiện những nội dung tuyên truyền một cách hiệu quả nhất và lan tỏa đến công chúng tốt nhất với thông tin chính xác, kịp thời. Thông qua đó, Báo Hànộimới nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của một tờ báo Đảng địa phương, đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.