Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Thanh Hà| 11/12/2021 18:23

(HNMO) - Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế" đã diễn ra ngày 11-12 tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương tham dự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp tham dự diễn đàn. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Doanh nghiệp công nghệ số phát triển nền tảng số quốc gia

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, có nhiều hơn số sản phẩm số xuất khẩu ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp công nghệ số nhận trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã công bố 35 nền tảng công nghệ số quốc gia. Đây là các nền tảng số được Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục cập nhật và công bố thêm các nền tảng số quốc gia khác trong thời gian tới.

Cũng tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” năm 2021 tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc. Bên lề diễn đàn là triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam” tiêu biểu phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chuyển đổi số phải chọn cách tiếp cận toàn dân

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số là phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Từ đó, mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp. Song bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lo lắng khi mục tiêu, yêu cầu cao, trong khi thời gian chỉ có hạn...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, không thực hiện thì không phát triển. Chuyển đổi số là xu thế của toàn cầu, không chỉ có Việt Nam thực hiện. Vì vậy, cần có cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình.

Chuyển đổi số tác động đến toàn dân, giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của người dân. Vậy thì phải chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trọng tâm phục vụ. Song hành, người dân và doanh nghiệp cần tham gia quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.

Thủ tướng tán thành quan điểm, dân tộc ta có cái hay là càng khó khăn, phức tạp càng đoàn kết, phấn đấu. Đây chính là cơ hội để phát triển. Ngoài ra, phải tự lực, tự cường để vươn lên, nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản, có tính quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Vàng cho các doanh nghiệp có thu hẹp sản phẩm số của giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam 2021. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chuyển đổi số trước hết tham gia vào phát triển kinh tế, phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp đó là chuyển đổi số góp phần chống biến đổi khí hậu, phục vụ cho khắc phục cạn kiệt tài nguyên, tạo ra năng lượng xanh, sạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, việc triển khai chuyển đổi số tránh hai khuynh hướng nóng vội và cầu toàn. Điều nào chưa rõ thì doanh nghiệp làm thí điểm, rút kinh nghiệm dần. Trong quá trình chuyển đổi số, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, ngành. Lãnh đạo vạch ra đường lối, chủ trương, chương trình, kế hoạch, lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Cùng với đó là quá trình hoàn thiện thể chế, doanh nghiệp cần điều gì thì đề xuất để có sự tương tác, thấu hiểu, chia sẻ. Quá trình chuyển đổi số cần phát triển nguồn nhân lực số, tài chính số và dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo...

Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại UBND tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam.

Diễn đàn gồm 2 phiên họp. Trong đó, phiên chính diễn ra chiều nay, 11-12, với chủ đề: "Doanh nghiệp công nghệ số giải bài toán chuyển đổi số" mà Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện vào năm 2022 để làm nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số.

Đại diện các doanh nghiệp công nghệ số như Viettel, VNPT, FPT, CyRada, Smartlog; các chuyên gia và các diễn giả đã trao đổi, thảo luận về vai trò và phương thức các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đây là những bài toán, nhiệm vụ trọng tâm cần được các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đảm nhận và triển khai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.