LTS: Ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc...
LTS: Ngày 27-4-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam Phú Quốc. Ngày 11-3-2013, kỷ niệm 40 năm chiến thắng trở về (1973-2013), các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày Phú Quốc có cuộc gặp mặt cảm động, với sự tham gia của hơn 1.000 người đang sống và hoạt động ở Hà Nội. Chúng tôi đã gặp, nghe những câu chuyện bi tráng, anh dũng của các cựu tù nay đã vào tuổi bát tuần. Tất cả vẫn vẹn nguyên bầu máu nóng cách mạng từ thuở xuân xanh.
Bài 1: Những năm tháng bi hùng
Bị cưa chân ba lần vẫn kiên cường đấu tranh
Đó là ông Nguyễn Tài Triệu, cựu tù Phú Quốc từ năm 1970, hiện ở tại ngõ 182, phố Vạn Phúc, phường Kim Mã, quận Ba Đình.
Những cựu tù Phú Quốc trong ngày gặp mặt 11-3 tại Hà Nội. |
Sau buổi họp báo của các cựu tù, tôi được nghe ông kể về kỷ niệm từ khi 16 tuổi, viết đơn bằng máu, xung phong đi bộ đội năm 1965. Ngày ấy, học hết lớp 7 (hệ phổ thông 10 năm), Nguyễn Tài Triệu khai tăng hai tuổi, nằng nặc xin đi bộ đội bằng được và lá đơn viết bằng máu của ông đã được khu đội Ba Đình duyệt. Sau một khóa huấn luyện ngắn ngày về kỹ thuật pháo ở Yên Thế, tháng 2-1966, ông lên đường vào chiến trường B. Đường mòn Hồ Chí Minh là sự thử thách đầu tiên. Cái đói và bệnh sốt rét hoành hành, nhiều người đã ngã xuống dọc đường hành quân. "Tháng 7-1966, vào đến Phú Yên, chúng tôi phải giấu pháo vào các hang đá và chuyển sang đơn vị bộ binh, chiến đấu tại mặt trận này. Trong một trận chiến đấu tại ấp Hòa Tri, thị xã Tuy Hòa, tôi bị thương và bị địch bắt. Lúc đó, tôi 17 tuổi, còn trẻ lắm! Chúng túm được tôi, chỉ hỏi một câu "Đánh xong rút về đâu?". Không khai thác được gì, chúng tống tôi vào bệnh viện dân y. Thuốc thang không có, tôi bị nhiễm trùng rồi bị cưa chân ba lần, tháo khớp cụt lên tận háng. Cuối năm 1967, chúng đưa tôi sang trại giam Hố Nai (Biên Hòa), nơi tập trung các chiến sĩ của ta ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa (địch gọi là vùng 3 chiến thuật). Trong trại giam, tôi bắt liên lạc được với các đồng chí đảng viên, bí mật hoạt động theo chỉ thị của chi bộ. Ngày 20-7-1970, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Trong chốn lao tù, đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Cuối năm 1970, do ta đánh mạnh trên các chiến trường, địch chuyển chúng tôi từ Hố Nai ra Phú Quốc - hòn đảo tươi đẹp được gọi tên là đảo Ngọc. Mỹ, ngụy xây dựng trại giam tù binh từ năm 1967 tại thung lũng An Thới, ở phía nam đảo. Trên diện tích khoảng 400ha, chúng xây 12 khu; trong mỗi khu có 4 phân khu (A, B, C, D); các phân khu ngăn cách nhau bằng nhiều lớp rào kẽm gai. Mỗi phân khu có 9 trại giam, giam giữ khoảng 1.000 tù binh. Các trại giam đều lợp tôn, xung quanh tường cũng là tôn ghép lại. Mọi "sinh hoạt" của 1.000 con người chỉ có một thùng phi đặt giữa nhà, không khí rất bức bối, ngột ngạt. Tôi làm Phó Bí thư Đoàn của trại 9, nên những cuộc đấu tranh của anh em, tôi đều có mặt. Đặc biệt, tuổi thanh niên ham học, yêu thích văn hóa văn nghệ, vì vậy anh em đã tự cải thiện đời sống trong tù bằng nhiều hình thức sáng tạo: Làm đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh bằng ống bơ, tôn, gỗ dán… được 50 cây đàn cho anh em tấu hài, biểu diễn kịch, hát… Nhạc sĩ Phan Miêng chọn ra 30 người để thành lập ban hợp xướng Cửu Long Giang. Phòng giam mà tôi ở 3 năm, toàn thương binh cụt, què. Nhờ có các tiết mục văn hóa, văn nghệ, mà anh em tăng thêm lòng yêu đời, lạc quan, tin vào một ngày mai tươi sáng được trở về với Đảng, với dân". - ông Nguyễn Tài Triệu kể lại.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Triệu làm việc và tham gia vào Đảng ủy của Nhà in Ngân hàng, ở đó cho đến khi nghỉ chế độ (năm 2007).
Ba lần đào hầm vượt ngục
Ông Nguyễn Văn Hải, thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, nay đã 72 tuổi. Không ai hình dung ông đã bị địch đánh đập 11 lần và bị ở khu biệt giam 3 tháng, 5 lần chết đi sống lại. Bọn chúng liệt ông vào loại đầu sỏ của đầu sỏ vì ông luôn luôn đứng đầu các cuộc đào hầm vượt ngục.
Nhập ngũ tháng 10-1968, thuộc đơn vị đặc công C25, K4, trực thuộc Sư đoàn 320, ông chiến đấu ở chiến trường Long An. Trong một chuyến vượt Đồng Tháp Mười về Miền báo cáo, rồi đi bệnh viện an dưỡng, gặp địch càn quét, dùng máy bay phun xăng, đốt bệnh viện ông bị địch bắt (ngày 3-5-1970). Chúng gọi ngay xuồng đưa ông về Sài Gòn thẩm vấn, tra khảo. Kiên cường đấu tranh với địch, ông bị đày hết Kiến Tường đến Cần Thơ, và cuối cùng là Phú Quốc vào tháng 8-1970. Ở trại C3, ông được phân công làm mũi trưởng đào hầm vì có kinh nghiệm đào địa đạo. Đã 42 năm trôi qua, kể từ ngày đào hầm (tháng 1-1971), đến nay, ông vẫn nhớ rành rẽ: "Theo kế hoạch, trại Đ.5 sẽ đào đường hầm dài 47m. Toàn bộ đường hầm cách mặt đất 2m, cao 0,7m. Mới được 20m thì địch phát hiện do có kẻ chỉ điểm, tôi và 5 đồng chí Tế - Chuyền - Ngọc - Thành - Bồn được chi bộ phân công đứng ra nhận và thống nhất cách khai báo cho khớp. Hết bốn đòn đánh bằng vồ, búa đinh, chúng chuyển sang cách dã man hơn, vừa đánh vừa rút từng móng tay, vừa tra hỏi". Ai tổ chức? Ai chỉ huy? Sau trận đòn thù, anh Ngọc đã hy sinh, năm chúng tôi bị chuyển xuống chuồng cọp rồi mới được trả về trại A3. Không nhụt ý chí, năm anh em lại báo cáo với tổ chức để tiếp tục đào hầm. Đường hầm từ A3 ra ngoài, mới được 15m thì lại có kẻ lại đi báo với địch. Chúng tôi bị bắt lần thứ hai. Lúc ra khỏi trại, anh em toàn trại tiễn biệt và mặc niệm, hết sức cảm động".
Dạy học trong tù
Ông Nguyễn Văn Chiển, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cựu tù Phú Quốc, vốn là thầy giáo. Tốt nghiệp Trường sư phạm Liên khu III trong kháng chiến chống Pháp, ông đi dạy học và làm công tác giáo dục ở nhiều địa phương của Nam Định, Hòa Bình. Năm 1964, khi đã 33 tuổi và đang dạy học ở Trường Lê Hồng Phong, ông xung phong đi bộ đội. Vào Nam, làm công tác giáo dục ở Trung ương cục, rồi về Ban Tuyên giáo Sài Gòn - Gia Định do ông Trần Bạch Đằng làm Trưởng ban; sau một thời gian "nhập môn" với anh em trong Ban, ông phụ trách Tiểu ban giáo dục. Năm 1967, ông bị địch bắt ở Bình Dương (căn cứ của Ban Tuyên giáo Sài Gòn - Gia Định lúc đó đóng ở đây). Từ trại Cây Me đến Hố Nai (Biên Hòa), ông vẫn nhớ nghề, nhiệt tâm dạy kiến thức phổ thông cho các đồng chí của mình. Lớp học đặc biệt của ông lấy cát làm bảng; lấy một đoạn dây kẽm gai làm bút. Vượt qua những đau đớn trong cảnh lao tù, với trí nhớ tuyệt vời, ông soạn ra đề cương của sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 10 để giảng dạy. Đặc biệt, ông lập được bảng lô-ga-rít thập phân và bảng lượng giác để dạy toán. Bị đày ra Phú Quốc, năm 1971, bàn tay trái đã bị co quắp lại, cầm bút rất khó khăn, nhưng ông vẫn không ngừng dạy học ở nơi kẻ thù luôn tìm cách khủng bố, giết dần, giết mòn, lung lạc ý chí người cộng sản. Lớp học được tổ chức ở các phân khu; mỗi lớp có từ 3 đến 5 người, đông nhất là 10 người. Có thầy dạy một ngày 3, 4 lớp, có trò cùng một lúc theo học 3, 4 lớp với các môn khác nhau. Giấy viết chủ yếu từ các tông. Cách chế tạo giấy cũng sáng tạo theo kiểu ở trong tù: Ngâm bìa các tông vào nước cho mềm, gỡ ra từng miếng mỏng, lấy cà mèn đổ than vào cho nhẵn rồi phơi khô, đóng thành sổ để dễ cất giấu. Ngòi bút được mài từ cà mèn đựng cơm; quản bút thì làm từ cây vót. Mực làm từ túi mực của con cá mực; sau đó, cải tiến bằng cách lấy túi mực trộn với keo tràm tạo thành mực đen, viết rất tốt và bền màu. Nơi nào có đá đỏ non thì mài đá ra, mực đỏ như son. Thầy Trần Nguyên Phò dạy văn, thầy Chiển dạy toán.
Trở về với đồng chí, đồng bào, làm Hiệu trưởng Trường Đảng Lê Hồng Phong, sau đó là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông vẫn giữ mực thước của người thầy, giản dị, thanh liêm và hạnh phúc bên người bạn đời yêu thương.
*
* *
Cuộc chiến đấu của những chiến sỹ cộng sản ở nhà tù Phú Quốc góp vào pho sử vàng của dân tộc ta những trang oanh liệt. Máu đào của các liệt sỹ đã tưới xuống cho đảo Ngọc của Tổ quốc được xanh tươi. Hôm nay, đảo Ngọc đang bừng lên sức sống mới của một điểm du lịch đầy hấp dẫn. Dù vậy, không ai có thể quên những năm tháng bi tráng, hào hùng của những người tù Phú Quốc năm xưa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.