(HNM) - Ba tháng đầu năm nay, cuộc vận động thực hiện
Với 26 xã, thị trấn, trên 30 vạn dân, Sóc Sơn đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường khi toàn huyện có tới 265 nghĩa trang nhân dân (NTND) nằm rải khắp nơi. Phần lớn chưa được quy hoạch, chưa bảo đảm văn minh và vệ sinh môi trường do chưa có hệ thống tiêu, thoát nước. Các chất thải rắn trong khu nghĩa trang chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp và đốt tại chỗ. Hình thức mai táng đối với người quá cố chủ yếu là hung táng.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang gắn với xây dựng nông thôn mới được nhiều người dân Sóc Sơn hưởng ứng. Ảnh: Khánh Nguyên |
Năm 2012, toàn huyện Sóc Sơn có 1.854 người chết, trong đó chỉ có 84 ca hỏa táng, chiếm 4,53%. Nguyên nhân là việc thực hiện quy chế quản lý và sử dụng NTND tại các xã, thị trấn chưa đúng quy định; công tác quản lý, quy hoạch nghĩa trang ở một số địa phương bị buông lỏng dẫn đến việc chôn cất mạnh ai nấy làm. Việc xây cất mộ khi cải táng còn tùy tiện. Một số gia đình đua nhau xây mộ hoành tráng để phô trương. Có gia đình, dòng họ tự ý chiếm đất xây dựng nghĩa trang riêng. Chưa kể còn nhiều ngôi mộ nằm ngoài nghĩa trang chưa được quy tập về nơi quy định, gây ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường, công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo thống kê của huyện, đến nay, diện tích đất trống trong các NTND chỉ còn 39.406m2, trong khi 13 NTND do thôn, làng quản lý với hơn 1.000 ngôi mộ đang có phương án phải di dời. Nhu cầu phục vụ an táng tại các địa phương ngày càng tăng lên, gây sức ép về mặt quy hoạch, mở rộng nghĩa trang…
Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2013, Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ huyện xây dựng đề án thực hiện "Tang văn minh, tiến bộ". Theo đó, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với xây dựng NTM, trong đó đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. MTTQ phối hợp với các đoàn thể nhân dân, Ban đại diện Hội Người cao tuổi, các tổ chức tôn giáo huyện tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện, coi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên, hội viên vào dịp cuối năm. Ủy ban MTTQ huyện còn phối hợp với UBND huyện xây dựng quy ước tang văn minh, tiến bộ lồng ghép với tổ chức các hội nghị đại biểu nhân dân. Các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn, làng, tổ dân phố tổ chức tọa đàm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lấy ý kiến thống nhất trong nhân dân về việc tổ chức tang lễ, đưa vào quy ước để tổ chức thực hiện. Đồng thời, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 36/2013/NQ-HĐND hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp hỏa táng (đối với thi hài người lớn); 3 triệu đồng/ trường hợp (đối với thi hài trẻ em dưới 6 tuổi). Thời gian hỗ trợ được thực hiện bắt đầu từ ngày 1-1-2013 đến hết năm 2015. Ngoài ra, tùy điều kiện, các xã, thị trấn cũng quyết định hỗ trợ thêm 2-3 triệu đồng/trường hợp hỏa táng… Với cách làm này, chỉ trong 3 tháng đầu năm, số ca hỏa táng trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể với gần 30 ca gần 90 người tử vong, đạt xấp xỉ 30%. Trong khi chỉ tiêu huyện đặt ra năm 2013 phấn đấu có 10% số ca tử vong được hỏa táng và đến năm 2015, tăng lên 20%.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Vương Văn Bút chia sẻ, hỏa táng là một việc khó, nhất là ở vùng nông thôn. Vì vậy, để thay đổi nhận thức của nhân dân, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, huyện xác định tuyên truyền, vận động là biện pháp lâu dài, trong đó, nêu cao vai trò nòng cốt của MTTQ, Hội Người cao tuổi và Ban đại diện Phật giáo ở địa phương. Với cách làm này, chắc chắn ngày càng có nhiều người dân hưởng ứng và thực hiện tang văn minh, tiến bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.