Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình OCOP ở Hà Nội: Phát huy vai trò của hợp tác xã

Nguyễn Mai| 30/08/2021 07:08

(HNM) - Với 282/1.054 sản phẩm đã được đánh giá, công nhận, các hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng và phát triển kinh tế nông thôn nói chung. Tuy nhiên, các sản phẩm đến từ chủ thể là hợp tác xã đang gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường… Vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ để phát huy hết vai trò của hợp tác xã.

Thu hoạch rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ Thanh Hà (huyện Thường Tín).

282 sản phẩm OCOP đến từ hợp tác xã

Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) được thành lập từ năm 2018. Trên diện tích canh tác 1,1ha, đơn vị đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, tưới phun tự động, kho lạnh, kho bảo quản, sơ chế rau, củ theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà cho biết, với 30 sản phẩm rau các loại được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 300kg rau mầm và rau baby (rau thu hoạch non) như: Cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, xà lách..., doanh thu đạt 3 tỷ đồng/ha/năm và tạo việc làm cho 20 lao động.

Khoai lang, một món quà quê dân dã của xã Đồng Thái (huyện Ba Vì) cũng đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao và được bán rộng rãi trên thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái Phùng Quốc Lượng cho hay: "Cuối năm 2020, khoai lang Đồng Thái đã được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; ngọn khoai lang cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tính ra, mỗi sào trồng khoai lang/1 vụ có thể thu về khoảng 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa".

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến thời điểm hiện tại, 64 hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP đã phát triển được 282 sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã có số lượng lớn sản phẩm được công nhận OCOP như Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) với 30 sản phẩm; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) với 17 sản phẩm... Các hợp tác xã đã khẳng định được vị thế trong Chương trình OCOP của thành phố, được người tiêu dùng đón nhận.

Thúc đẩy nhiều giải pháp hỗ trợ

Có thể nói, với tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm chi tiết và toàn diện cùng hướng dẫn của cơ quan chức năng, các hợp tác xã đã nhận ra được điểm yếu, điểm mạnh của từng sản phẩm, qua đó có những điều chỉnh, đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế một cách khoa học hơn. Mặt khác, Chương trình OCOP đã giúp các hợp tác xã có chiến lược phát triển sản phẩm cho những phân khúc thị trường mới, nâng cao chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm…

Tuy nhiên, cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác, các sản phẩm đến từ chủ thể là hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với khoa học công nghệ mới, nguồn vốn, cũng như phát triển thị trường... Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà mong muốn được thành phố hỗ trợ về nguồn vốn, đất đai, tiếp cận khoa học công nghệ... để nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, đáp ứng được nhu cầu gia tăng của thị trường. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện nhiều hợp tác xã đề xuất thành phố đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm OCOP để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn và sử dụng sản phẩm…

Đánh giá cao vai trò của các hợp tác xã trong việc phát triển sản phẩm OCOP, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, ngay trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn cho các chủ thể bán hàng bằng hình thức trực tuyến… Hiện đơn vị đang chuẩn bị cho việc tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” diễn ra vào đầu tháng 9-2021.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi để sản xuất bền vững; hỗ trợ các hợp tác xã lựa chọn và hoàn thiện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong Chương trình OCOP của thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Cùng với việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác xã dịch vụ tổng hợp kết hợp với hoạt động du lịch...; giúp các hợp tác xã có thêm nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình OCOP ở Hà Nội: Phát huy vai trò của hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.