Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Sức bật cho nông thôn mới

Nguyễn Mai| 03/12/2018 07:00

(HNM) - Với hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền... nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Nghề gốm ở làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm).


Phát triển sản phẩm lợi thế

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có hàng nghìn hộ làm nghề gốm sứ, doanh thu từ sản xuất của cả xã ước đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, sản phẩm gốm sứ của công ty 90% là xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh). Các đơn vị này đã sản xuất được 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch. Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Đến nay, cả nước có 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch Chương trình OCOP.

Mặc dù số tỉnh phê duyệt đề án, kế hoạch chưa nhiều nhưng đã có 1.579 sản phẩm có khả năng được “gắn sao” (các sản phẩm sẽ được gắn từ 1 đến 5 sao; sản phẩm 1-3 sao phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm 4-5 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu).

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận theo tiêu chí. Bên cạnh đó, Hà Nội đang phát triển nhiều vùng sản xuất nông sản, đặc sản... đó chính là lợi thế để triển khai Chương trình OCOP.

Chuẩn hóa sản phẩm


Theo Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến, tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

“Rất nhiều địa phương có lợi thế phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp bởi sự đa dạng về vị trí địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc, các sản vật vùng miền. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với Bộ NN& PTNT xây dựng đề án Du lịch nông nghiệp cấp quốc gia. Để tranh thủ lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ NN&PTNT xác định hướng phát triển Chương trình OCOP theo 3 trụ cột: Nông nghiệp thông minh, nông dân thông minh và công chức thông minh. Do vậy, các tỉnh, thành phố cần sớm bắt nhịp và triển khai” - ông Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố xây dựng đề án OCOP TP Hà Nội. Mục tiêu của thành phố sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có; đồng thời củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch...

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho rằng, nếu được chú trọng đầu tư, các sản phẩm có lợi thế ở các địa phương sẽ phát triển bài bản hơn. Còn với vai trò là chủ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội, bà Hà Thị Vinh đề nghị thành phố sớm thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và điều hành Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ cho làng nghề phát triển bền vững.

“Đây là cơ hội cho các làng nghề tiếp cận với các chuyên gia, nhà khoa học; tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm làng nghề được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao giá trị" - bà Hà Thị Vinh kiến nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Sức bật cho nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.