Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Những thành công bước đầu

Nguyễn Mai| 10/05/2019 07:09

(HNM) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... có lợi thế của từng địa phương.

Gà Tiên Yên (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng tin tưởng. Ảnh: Quảng Ninh


Nâng giá trị nhờ Chương trình OCOP


Gà Tiên Yên (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) nổi tiếng có chất lượng thịt thơm ngon, nhưng qua thời gian đã bị lai tạp nên có thời điểm giảm giá trị... Triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ địa phương phục tráng giống, chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giống gà này dần trở lại chất lượng tốt, năng suất tăng; được “đeo nhẫn” truy xuất nguồn gốc sản phẩm Chương trình OCOP (ở chân) khi xuất bán và khẳng định được thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng... Hiện gà Tiên Yên được bán tại thị trường với mức giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với gà thông thường.

Không riêng tỉnh Quảng Ninh, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, sau một năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, cả nước đã có 42/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Trong đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai... đã thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả khá tích cực. Các địa phương đã xét công nhận cho hơn 200 sản phẩm Chương trình OCOP với các mức “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” (sản phẩm từ 1 đến 3 sao: Phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 đến 5 sao: Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; quy trình đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương) làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ triển khai tập huấn cho cán bộ từ trung ương đến địa phương trực tiếp tham gia thực hiện chương trình...

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền, Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%)... Sở NN&PTNT Hà Nội đang xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trình UBND thành phố phê duyệt.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình OCOP năm 2013, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 322 sản phẩm, trong đó 138 sản phẩm đạt "3-5 sao"; trên 90% sản phẩm được dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc. Tổng doanh số bán hàng Chương trình OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất Chương trình OCOP năm 2018 đạt 311 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động. Tại tỉnh Hà Tĩnh, địa phương cũng đã phát triển được các chuỗi giá trị, như: Bưởi Phúc Trạch, cam Vũ Quang... có sức tiêu thụ tốt trên thị trường.

Triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội dự kiến nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt "sao" theo quy định. “Hà Nội phấn đấu đưa 1.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thành phố sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức diễn đàn kết nối giao thương; đồng thời, tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia Chương trình OCOP” - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết.

Tuy đạt một số kết quả tích cực, song theo Bộ NN&PTNT, hiện nay còn 21 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, cần đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai cũng cần nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm, đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững... Mới đây, tại diễn đàn quốc tế “Kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm” do Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ NN&PTNT) đề xuất giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm Chương trình OCOP có tiềm năng xuất khẩu; tạo cơ hội để người sản xuất nắm bắt thị hiếu khách hàng, phát triển sản phẩm phù hợp...

Để đẩy nhanh Chương trình OCOP, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt các cơ quan tham mưu sớm ban hành đề án, kế hoạch triển khai nhằm thực hiện đồng bộ hóa Chương trình OCOP trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong khai thác lợi thế Chương trình OCOP phục vụ phát triển kinh tế nông thôn. Mỗi địa phương cần nắm bắt cơ hội và tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tạo thêm sản phẩm Chương trình OCOP có giá trị cao về kinh tế, xã hội, văn hóa... làm tiền đề trong quy hoạch, chiến lược phát triển trên cơ sở lợi thế, thế mạnh vùng, miền...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Những thành công bước đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.