Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức bật tái cơ cấu kinh tế nông thôn

Nguyễn Mai| 12/05/2023 06:15

(HNM) - Để Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, thành phố Hà Nội đang tập trung xây dựng các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã. Đây là việc làm mới, quá trình thực hiện đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, phù hợp để phát huy hiệu quả, góp phần tạo sức bật mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP tại huyện Mê Linh.

Chu trình khép kín

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có 1.871 sản phẩm còn hiệu lực. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô có hơn 300 làng nghề, làng nghề truyền thống được thành phố công nhận và nhiều làng nghề là điểm du lịch…

Hằng năm, thành phố đều tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP như hội chợ, hội thảo, tuần hàng; hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.

Dù đã làm được khá nhiều việc, song Chương trình OCOP vẫn bộc lộ những hạn chế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) Trần Thị Ngọc Lan cho biết, ngoài các mẫu hoa văn trên lụa do cha ông để lại, các mẫu mới của làng rất ít và người biết thiết kế mẫu cũng chỉ có duy nhất 1 người, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Còn theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ở làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ trong làng vẫn phân tán theo quy mô từng gia đình, chưa có trung tâm quảng bá, giao dịch sản phẩm chung cho cả làng…

Để xây dựng chu trình khép kín từ khâu thiết kế đến khâu tiêu thụ sản phẩm gắn với dịch vụ du lịch cho sản phẩm OCOP, làng nghề, tháng 10-2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND về phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề (trung tâm) gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2025. Mục tiêu của thành phố là phát triển 18 mô hình trung tâm tại các huyện, thị xã. Tháng 2-2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND để thực hiện cho riêng năm 2023.

Theo kế hoạch này, đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển từ 5 đến 9 mô hình trung tâm tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Đức), Vân Hà (huyện Đông Anh), Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), Vạn Phúc (quận Hà Đông) hoặc địa điểm khác phù hợp.

Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội tại số 176 đường Quang Trung (quận Hà Đông).

Lựa chọn địa điểm thực hiện

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mô hình trung tâm sẽ gồm các không gian có chức năng cơ bản: Trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm; không gian giao dịch, hội thảo nhóm; trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm; chụp ảnh sản phẩm… Việc hình thành các trung tâm sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: Hỗ trợ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ các nhà thiết kế trẻ có tinh thần khởi nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã hoàn thành công tác khảo sát 9 địa điểm để xây dựng mô hình theo kế hoạch của thành phố năm 2023 và đang hoàn thiện bộ tiêu chí để công nhận mô hình, tổ chức đánh giá công nhận các trung tâm… Sở Công Thương sẽ lựa chọn nhà tư vấn để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu chung, quảng bá giới thiệu các trung tâm; tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các nghệ nhân, nhà thiết kế trẻ về hoạt động thiết kế sáng tạo…

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, Phú Xuyên đã chọn xây dựng mô hình tại xã Chuyên Mỹ với diện tích rộng 1,3ha, hướng đến mục tiêu giúp cho làng nghề Chuyên Mỹ nói riêng và các làng nghề trên địa bàn huyện nói chung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

Việc xây dựng mô hình trung tâm tại các địa phương không khó. Nhưng điều quan trọng là mô hình đó phải đạt được hiệu quả. Do đó, việc triển khai thực hiện phải được các sở, ngành, quận, huyện tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm, tránh lãng phí trong đầu tư.

Tại cuộc họp của UBND thành phố diễn ra vào tháng 3-2023 để xem xét, phê duyệt sản phẩm OCOP năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các quận, huyện, thị xã “phất cờ”, chủ động trong xây dựng mô hình các trung tâm. Tiến tới, mỗi địa phương phải có một mô hình trung tâm. Làm tốt từ khâu thiết kế mẫu mã, ý tưởng cho sản phẩm, đến khâu quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng và trở thành điểm "check in" du lịch cho khách tham quan...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức bật tái cơ cấu kinh tế nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.