Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước: Những bài học quý

Mai Hoa| 08/12/2018 07:56

(HNM) - Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã qua nửa chặng đường. Lúc này, cần đánh giá tình hình, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm nhân rộng những mô hình tiêu biểu, lan tỏa cách làm hay...


Cách làm hay ở Thủ đô

Hà Nội là một trong những địa phương tiêu biểu, có nhiều tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Tổng cục Thể dục thể thao biểu dương sau 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020. Cách làm của Hà Nội là chủ động xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư xây lắp bể bơi cho trẻ em có thêm cơ hội được học bơi.

Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai thực hiện tốt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em. Ảnh: Bá Hoạt


Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Phúc Anh chia sẻ: "Tổng kinh phí từ ngân sách đầu tư cho việc triển khai chương trình là 1,5 tỷ đồng, nhưng Hà Nội đã huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa lên đến 30 tỷ đồng. Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao trên địa bàn xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư vào thể thao trường học. Giải pháp cụ thể là: Thứ nhất, giao việc tự chủ, tự tìm nguồn lực đầu tư cho nhà trường; khuyến khích hội phụ huynh nhà trường tham gia góp vốn và quản lý cơ sở vật chất. Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân có năng lực đầu tư hoặc góp vốn. Thứ ba, tạo điều kiện kinh doanh, khai thác dịch vụ cho doanh nghiệp góp vốn. Thứ tư, tạo quỹ đất đầu tư cho thể thao học đường và tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn xây dựng...".

Nhờ cách làm đúng, sáng tạo, sau 2 năm thực hiện chương trình, số lượng bể bơi được xây dựng và lắp ghép trong các nhà trường ở Hà Nội đã tăng lên đáng kể. Theo ông Nguyễn Phúc Anh, năm 2016 Hà Nội có 98 bể bơi trường học, đến năm 2017 đã có 133 bể và con số này vào năm 2018 là 250 bể. Nhờ vậy, số lượng học sinh biết bơi và được cấp chứng chỉ trên toàn thành phố tăng nhanh. Năm 2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức dạy bơi cho 103.861 học sinh, với tỷ lệ biết bơi đạt hơn 90%. Năm 2018, có 240.567 học sinh được dạy bơi, tỷ lệ biết bơi đạt hơn 94%...

Có thể nói, tuy số lượng học sinh được dạy bơi hằng năm còn chưa cao so với tổng số học sinh trên địa bàn nhưng tại Hà Nội, những cơ chế, chính sách mà thành phố đề ra nhằm triển khai thực hiện chương trình bước đầu đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả.

Bài học giá trị từ thực tiễn

Không chỉ ở Hà Nội, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn và mô hình phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước tại Đà Nẵng, An Giang, TP Hồ Chí Minh... cũng rất giá trị. Ví như Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng đã liên kết đầu tư 6 bể bơi tại các trường theo phương thức thỏa thuận với phụ huynh học sinh mức kinh phí không quá 200.000 đồng/12 buổi học; mời gọi Tổ chức AOG World Relief tại Việt Nam đầu tư 1 bể bơi di động, Tổ chức TASC chuyển giao 11 bể bơi di động... Ngành Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cũng đã phát động phong trào dạy bơi cho học sinh trong dịp hè, tổ chức Giải Bơi thanh thiếu niên TP Đà Nẵng để tạo sân chơi bổ ích và thiết thực cho các em.

Tại An Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa môn bơi lội vào dạy học chính khóa (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa, được tổ chức thí điểm ở các trường thuộc TP Long Xuyên và một số đơn vị có điều kiện; có chính sách miễn, giảm giá vé tập bơi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học bơi. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang một mặt xây dựng các mô hình hồ bơi đơn giản, hồ bơi lắp ghép phục vụ dạy bơi tại vùng sâu, vùng xa, mặt khác từng bước xây dựng mô hình thí điểm phòng, chống đuối nước ở một số xã, phường, như mô hình "Toàn xã biết bơi", "Toàn trường biết bơi"... nhằm khích lệ các địa phương, nhà trường tập trung triển khai thực hiện công tác phổ cập bơi.

TP Hồ Chí Minh thì chú trọng nhiều hơn vào việc gây dựng tình yêu với môn bơi lội cho các em nhỏ, thông qua việc phát động cuộc thi sáng tác tranh về bơi lội, thiết kế gameshow đơn giản, vui ở dưới nước để các em vừa thi, vừa chơi và học bơi...

Nhằm đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2019-2020, việc nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả là cần thiết. Chính vì vậy, một mặt đề nghị Chính phủ tăng cường bố trí ngân sách và ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, ưu tiên phát triển môn bơi trong trường học, mặt khác, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đề nghị lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, đoàn thể quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ phổ cập bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em thuộc diện nghèo và trẻ em ở vùng đặc biệt khó khăn.

Với TP Hà Nội, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, xây dựng bể bơi mini trong trường học hoặc lắp đặt bể bơi thông minh là mô hình có tính khả thi cao, tạo tiền đề khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi trong giờ học chính khóa. Mô hình này có thể áp dụng tại các thành phố, khu đô thị có quỹ đất dành cho thể thao hạn chế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước: Những bài học quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.