(HNMO) - Sáng 7-4, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 04) đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, phụ trách Đảng bộ huyện Chương Mỹ; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội...
Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ, đoàn đã thăm mô hình sản xuất tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn) và thăm mô hình chế biến thịt gia súc, gia cầm của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa).
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa báo cáo: Trên địa bàn huyện đã có 30/30 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%). Về tiêu chí huyện nông thôn mới, đối chiếu với quy định, huyện Chương Mỹ tự chấm đạt 95/100 điểm. Cụ thể, huyện có 6/9 tiêu chí đạt; 3/9 tiêu chí cơ bản đạt. Huyện phấn đấu năm 2021 đạt chuẩn huyện nông thôn mới và có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu đến 2025, có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm là 5,31%/năm. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 67,1%, trồng trọt chiếm 32,9%. Huyện đã dồn điền đổi thửa được hơn 10.521ha, bằng 98,7% so với kế hoạch của huyện và 100,75% so với kế hoạch thành phố giao.
Đối với phát triển kinh tế, huyện có 64 hợp tác xã nông nghiệp; 1 khu công nghiệp (Phú Nghĩa); 10 cụm công nghiệp (theo quy hoạch), trong đó có 4 cụm đã hình thành và đi vào hoạt động; 36 làng nghề đã được công nhận, 175 làng có nghề, 720 doanh nghiệp và trên 8 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Chương Mỹ cũng còn một số khó khăn như: Thu ngân sách hạn chế, chủ yếu phải dựa vào bổ sung, cân đối ngân sách của cấp trên, không đáp ứng được nhu cầu chi ngân sách, đặc biệt là nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện chưa theo kịp sự phát triển, nhiều công trình đã xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng. Các dự án đầu tư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn huyện hầu như chưa được thực hiện; dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp và chỉnh trang quốc lộ 6 từ Ba La đi Xuân Mai chưa thực hiện làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của huyện...
Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đề xuất, kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; có cơ chế đặc thù hỗ trợ đối với các xã đăng ký đạt nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng sớm có văn bản chính thức bàn giao công trình thủy lợi cho cấp huyện quản lý theo Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 24-9-2020 và hướng dẫn việc thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với công trình do cấp huyện quản lý. Huyện cũng đề nghị thành phố có cơ chế để lại toàn bộ số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với các khu vực đấu giá có diện tích từ 5.000m² trở lên cho cấp huyện để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội...
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã giải đáp băn khoăn, vướng mắc; đồng thời, gợi mở cho huyện Chương Mỹ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, huyện Chương Mỹ cần tìm cách đầu tư mở rộng các tuyến đường trục chính kéo dài từ nội đô đến huyện Chương Mỹ như đường Tôn Thất Tùng kéo dài, đường Tố Hữu kéo dài, Quốc lộ 6 qua huyện và các tuyến đường kết nối; xây dựng quy hoạch, đưa huyện Chương Mỹ phát triển thành thị xã trong tương lai...
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương đề xuất thành phố quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa cho các thôn, xã của huyện khó khăn, chưa cân đối được ngân sách đầu tư để đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới; nâng cấp hệ thống giao thông vào các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch như chùa Trầm, chùa Trăm Gian... Huyện Chương Mỹ cũng cần khai thác thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, làng nghề, tâm linh... để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Là huyện có diện tích lớn, có nhiều làng nghề, nhưng Chương Mỹ cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, huyện cần xây dựng phương án phòng chống lũ, đặc biệt là cho vùng hữu Bùi nhằm tăng cường khả năng thoát lũ. Về kiến nghị của huyện, hiện nay, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Chương Mỹ là 1 trong 5 huyện còn lại của thành phố chưa đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Hiện nay, huyện còn 3 tiêu chí cơ bản đạt, trong đó có các chỉ tiêu như môi trường, nước sạch, giao thông phải được đặc biệt quan tâm.
Gợi mở cho huyện, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có doanh nghiệp giết mổ, chế biến gà rất lớn là Công ty cổ phần C.P. Việt Nam, huyện có chương trình hợp tác với doanh nghiệp này trong phát triển chăn nuôi khép kín theo chuỗi của huyện chưa? Huyện cần có tư duy xa hơn, quyết liệt thực hiện các quy hoạch; tập trung giải pháp phòng chống lũ rừng ngang khu vực ven sông Bùi; mở rộng khu công nghiệp Phú Nghĩa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp Đông Phú Yên...
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức đề nghị huyện Chương Mỹ từ việc đánh giá kết quả đạt được, rút ra các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giai đoạn tới. Huyện cần tập trung cao cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh những kết quả đạt được của huyện trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chỉ ra một số hạn chế của huyện như: Tăng trưởng nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện; hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân; một số thôn chưa có nhà văn hóa, nhiều nhà văn hóa xuống cấp, nhỏ hẹp chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu huyện Chương Mỹ rà soát lại các quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai trong tương lai. Huyện cũng cần rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu, nghị quyết năm 2021; tập trung thu ngân sách; quan tâm đến quản lý đất đai; mở rộng cụm công nghiệp Phú Nghĩa và hoàn thành giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Đông Phú Yên. Huyện Chương Mỹ cần hoàn thành các tiêu chí trở thành huyện nông thôn mới năm 2021 và xây dựng tốt chương trình hành động thực hiện 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của huyện Chương Mỹ; đồng thời, giao các sở, ngành tham mưu thành phố giúp huyện tháo gỡ khó khăn, tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng khẳng định, huyện quyết tâm, nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.