Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo

Hoàng Thu Vân| 06/09/2016 06:46

(HNM) - Sáng qua (5-9), hơn 1,7 triệu học sinh Thủ đô nói riêng và hơn 22,5 triệu học sinh khắp cả nước nói chung đã náo nức hân hoan tựu trường, tham dự lễ khai giảng năm học 2016-2017.


Bước sang năm học thứ ba thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, có thể thấy ngày hội “toàn dân đưa trẻ đến trường" năm nay có nhiều điểm mới.

Trước hết, thể hiện rõ nét nhất là chủ thể trong ngày hội lớn được khẳng định, đó chính là học sinh. Trong văn bản Bộ GD-ĐT gửi các địa phương hướng dẫn tổ chức khai giảng năm học 2016-2017 nêu rõ, cả nước thống nhất tổ chức lễ khai giảng năm học 2016-2017 vào lúc 7h30 ngày 5-9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Theo quy định, lễ khai giảng bao gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng bảo đảm trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng băng lời bài hát), đọc thư của Chủ tịch nước…

Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường. Vậy là không còn tình trạng học sinh phải đứng mỏi chân vỗ tay hoan hô… sự có mặt của lãnh đạo địa phương tham dự khai giảng hoặc khổ sở ngồi nghe những phát biểu hoặc báo cáo thành tích dài dằng dặc. Hầu hết lễ khai giảng tại các trường trên địa bàn Thủ đô chỉ diễn ra trong vòng 60 phút, ngắn gọn, nhưng cô đọng và súc tích, và học sinh thực sự là chủ thể, là trung tâm của ngày khai trường năm học mới.

Thứ hai, quan điểm tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được khẳng định và có những nét tươi mới, phù hợp với sự vận động, phát triển chung của toàn xã hội. Ngay tại Thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học 2016-2017 gửi cán bộ, công chức, viên chức Ngành GD-ĐT, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tư tưởng, mục tiêu giáo dục là “Học đi đôi với hành” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn là như vậy.

Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra 9 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trong năm học 2016-2017. Đặc biệt, Bộ trưởng GD-ĐT đã có chỉ thị tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ cụ thể cho từng bậc học như: Giáo dục mầm non cần chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm của công dân đối với xã hội, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực…

Rõ ràng rất cần những mục tiêu cụ thể trong một lộ trình cụ thể nhằm tiến tới những mục tiêu lớn trong một tổng thể đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Để thực hiện những vấn đề nêu trên chỉ những nỗ lực, cố gắng của riêng Ngành GD-ĐT là chưa đủ. Sự nghiệp GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển toàn diện của đất nước. Ngay trong năm học mới này, trên địa bàn Hà Nội quan điểm sự nghiệp GD-ĐT là sự nghiệp chung của toàn xã hội sẽ được thể hiện bằng những công việc hết sức cụ thể mà trước đó lãnh đạo thành phố đã có ý kiến.

Điển hình là việc thành phố dùng nguồn kinh phí kết hợp với doanh nghiệp và đóng góp của phụ huynh để xây dựng và cải tạo toàn bộ hệ thống công trình phụ của các nhà trường. Hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư, nhằm bảo đảm đủ nước uống hằng ngày cho học sinh. 28 nghìn cây xanh sẽ được trồng để tạo môi trường, cảnh quan cho các trường học trên địa bàn Thủ đô…

Sau "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường", rất cần cả xã hội chung tay cho sự nghiệp GD-ĐT với những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, cùng với Ngành GD-ĐT tạo điều kiện tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước rèn luyện và phấn đấu, sau này tiếp bước cha anh, xây dựng Tổ quốc hùng cường, giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay vì sự nghiệp giáo dục - đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.