Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay vì một xã hội văn minh

Quỳnh Dương| 26/03/2021 16:18

(HNMCT) - Trong xã hội hiện đại và năng động như hiện nay, thế hệ trẻ ngày càng thể hiện rõ vai trò là nhân tố định hình tương lai của thế giới. Họ đang phát huy thế mạnh của sự nhanh nhạy, sáng tạo, chủ động và đi đầu trong nhiều lĩnh vực nhằm mang tới một cuộc sống tốt đẹp, văn minh.

Thế hệ trẻ tại các quốc gia châu Phi tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), thế giới hiện có khoảng 1,2 tỷ người trong độ tuổi 15 - 24, chiếm 16% dân số thế giới. Đến năm 2030, con số này vào khoảng 1,3 tỷ. Những người trẻ đang tham gia tích cực vào rất nhiều hoạt động kinh tế, chính trị, nghiên cứu, chế tạo và đặc biệt là những hoạt động hướng tới một xã hội phát triển bền vững.

Một nghiên cứu của LHQ chỉ ra rằng, giới trẻ là nòng cốt của sự phát triển nếp sống cộng đồng trong hơn 25 năm qua. Thực tế cho thấy, trên phạm vi quốc tế, thanh niên đã xây dựng các phong trào, thiết lập các diễn đàn phát triển ý tưởng mang lại lợi ích không nhỏ cho xã hội như phong trào bảo vệ người da đen với tên gọi “Vấn đề và cuộc sống của người da đen”, hay bảo vệ phụ nữ với tên gọi “#Metoo”...

Một trong những lĩnh vực mà giới trẻ quan tâm, có nhiều đóng góp nhất hiện nay là bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Có rất nhiều chương trình, dự án do cộng đồng người trẻ triển khai đang phát huy hiệu quả một cách thiết thực. Không chỉ ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, thanh niên ở những khu vực nghèo như châu Phi cũng tích cực tham gia vào việc bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như nhặt rác, tái chế, kêu gọi hạn chế dùng đồ nhựa...

Tại Kenya, hoạt động tái chế rác thải điện tử do Shabaya Beche và những người bạn thực hiện trong những năm gần đây đã tạo được tiếng vang trong đất nước này. Nhằm khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu bảo vệ môi trường, nhóm của Shabaya Beche đã thành lập Công ty Squadra One, biến nơi đây thành xưởng đào tạo công nghệ tái chế cho thanh niên Kenya, qua đó dần nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy hại từ rác thải điện tử. Chia sẻ về công việc của mình, Shabaya Beche cho biết, anh hứng thú với ý tưởng tái chế rác thải điện tử từ khi đang là sinh viên năm thứ tư khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông tại Đại học Africa Nazarene ở Nairobi. “Thời điểm đó, không ai trong chúng tôi có ý tưởng hay hơn ngoài việc ném chúng vào thùng rác. Đây là điều khiến tôi băn khoăn suốt một thời gian dài. Tôi đã nói suy nghĩ của mình với một số người bạn và cả nhóm đã tìm giáo viên trong khoa nhờ giúp đỡ. Chúng tôi đã được thầy giáo Trưởng khoa Quản lý tài nguyên môi trường dạy miễn phí về các khía cạnh gây ô nhiễm của chất thải điện tử và cách thức giải quyết vấn đề này”.

Đến nay, sau 3 năm thành lập, Squadra One đã giúp rất nhiều thanh niên Kenya có kiến thức tái chế rác thải điện tử. Timothy Marube, người vừa tốt nghiệp khóa đào tạo tại Squadra One cho rằng, những gì công ty triển khai trong thời gian qua là chất xúc tác cho sự đổi mới. Khóa học tại Squadra One dạy học sinh, sinh viên hình thành ý tưởng tái chế rác thải điện tử, biến ý tưởng thành hiện thực và đưa sản phẩm ra thị trường. “Giờ đây, tôi có thể biến một ý tưởng thành công việc kinh doanh. Chẳng hạn, tôi có thể thay thế đèn ngủ cũ thành đèn tường cảm biến tự động, có thể tiết kiệm điện”.

Còn Martin Njuguna, sinh viên kỹ thuật cơ khí năm thứ tư tại Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Jomo Kenyatta ở Juja đã sử dụng rác thải điện tử để xây dựng một nhà kính tự động theo dõi nhiệt độ, độ chua của đất và độ ẩm bên trong. Đây cũng là thành quả có được sau khóa đào tạo tại Squadra One.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường LHQ, chất thải điện tử là một trong những dòng chất thải phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, dự đoán sẽ đạt 52,2 triệu tấn vào cuối năm 2021. So với các châu lục khác, khối lượng rác thải điện tử tại châu Phi ít hơn rất nhiều, chỉ khoảng 2,2 triệu tấn, tương đương 1,9kg mỗi người. Tuy nhiên, chưa đến 0,2% chất thải điện tử của châu Phi được thu gom và tái chế. Chính vì vậy, việc làm của nhóm Shabaya Beche mang ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng.

Nhận định về vai trò của giới trẻ đối với các phong trào bảo vệ môi trường, Chương trình Môi trường LHQ cho rằng, thanh niên đang có những đóng góp vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đối với môi trường thế giới trong tương lai. Tại nhiều châu lục, ý tưởng mà giới trẻ đưa ra để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu không thể kể hết. Họ cũng là lực lượng đi đầu trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường và xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay vì một xã hội văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.