Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay kiến tạo thành phố đáng sống: Phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ tập thể

Quỳnh Dương| 10/04/2022 06:00

(HNMCT) - Một thành phố được xây dựng lên chính là để cho người dân sinh sống. Hay nói cách khác, cư dân là linh hồn của một thành phố. Vì thế, ở nhiều quốc gia, ngoài việc coi người dân là trung tâm để phát triển, họ còn được khuyến khích cùng chính quyền tham gia vào rất nhiều lĩnh vực, từ xây dựng chính sách văn hóa - xã hội, nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm đẹp cảnh quan đô thị…, qua đó phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ tập thể.

Thành phố thông minh Cork được xây dựng từ sức mạnh trí tuệ tập thể của chính quyền và nhiều tầng lớp người dân.

Một nghiên cứu có tên gọi “Người dân và linh hồn của thành phố” do Tiến sĩ khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Hoàng gia Thụy Điển Marie Wahlstrom thực hiện gần đây đã dẫn kết quả khảo sát cư dân tại 4 thành phố lớn của nước này, trong đó có thủ đô Stockholm.

Theo đó, đa số người được hỏi đều khẳng định, người dân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc của một thành phố. Họ cho rằng, thành phố được tạo nên bởi con người. Nên linh hồn thành phố được thể hiện qua cách mà cư dân sinh sống, đối xử và đóng góp cho thành phố của mình. Nói như vậy có nghĩa, việc dựng nên phần hồn của một thành phố là một nỗ lực trải qua chiều dài thời gian và bởi nhiều thế hệ.

Cốt cách con người, chiều sâu của đời sống văn hóa và tinh thần, kiến trúc cảnh quan đô thị do chính các cư dân tạo ra sẽ dần hình thành cho nơi họ sống nhịp đập và hơi thở riêng. Đây là lý do tiếng nói của người dân thường xuyên được lắng nghe trong quá trình xây dựng chính sách của các thành phố. Họ đóng góp vào rất nhiều vấn đề, từ an toàn an ninh, chăm sóc sức khỏe đến môi trường, thậm chí cả vị trí đặt một bức tượng để tạo cảnh quan hay địa điểm trông giữ xe đạp... Và chính quyền các thành phố cũng xây dựng chính sách dựa trên những đóng góp này với mong muốn tạo sự công bằng đối với tất cả các tầng lớp trong xã hội.

Cũng dựa trên tinh thần này, tại Hàn Quốc, quyền người dân được tham gia phát triển đô thị được đảm bảo trong rất nhiều bộ luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và sử dụng đất đai, Luật Phát triển đô thị. Hầu hết các dự thảo quy hoạch đều được công khai để nghe ý kiến của toàn dân và của chuyên gia liên quan trước khi ban hành chính thức.

Đánh giá về vấn đề này, trong một bài viết đăng trên trang web của mình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) khẳng định: “Người dân Hàn Quốc có thể đề nghị cơ quan chức năng soạn thảo quy hoạch quản lý đô thị về các vấn đề liên quan tới việc lắp đặt, củng cố hay cải thiện hạ tầng, xác định hay thay đổi vùng quy hoạch. Khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Giao thông, Thị trưởng soạn thảo quy hoạch quản lý đô thị, họ sẽ lắng nghe ý kiến của người dân. Khi ý kiến đó đúng, Bộ trưởng phải tiếp thu và đưa vào bản dự thảo. Điều này cho thấy người dân ngày càng trở thành trung tâm của các dự án tái tạo đô thị ở Hàn Quốc. Chúng tôi có thể thấy được sự tham gia của người dân vào các vấn đề công ở cấp quốc gia đang tăng lên một cách rõ rệt và vai trò của chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy sự đóng góp của người dân vào quá trình xây dựng thành phố cũng được khẳng định”.

Một trong những điển hình thành công của việc xây dựng thành phố dựa trên trí tuệ tập thể đó là quá trình xây dựng thành phố thông minh Cork (Ireland). Các học giả, chính quyền địa phương, tình nguyện viên và các tổ chức xã hội đã cùng hợp tác thiết kế và thực hiện một nghiên cứu về lợi ích địa phương liên quan tới việc triển khai cơ sở hạ tầng thành phố thông minh.

Để thu thập dữ liệu có độ trung thực cao từ nhiều cư dân thành phố trong khi nguồn lực eo hẹp, các nhà hoạch định chính sách đã huy động sự tham gia của đại diện các công ty địa phương, tình nguyện viên và các tổ chức xã hội vào từng giai đoạn của dự án. Các chuyên gia được tập hợp theo từng nhóm, có nhiệm vụ đánh giá, tổng hợp thông tin, dữ liệu thu được từ cộng đồng. Sau đó, nhóm nghiên cứu dự án đã tổng hợp, đánh giá thông tin, dữ liệu mà các tầng lớp dân cư cung cấp để xây dựng một dự án hoàn chỉnh.

Việc sử dụng nguồn lực huy động từ cộng đồng có tính linh hoạt cao trong quá trình triển khai dự án, khuyến khích sự tham gia của nhiều nhóm xã hội và cộng đồng. Điều này cho phép người dân địa phương nắm được định hướng phát triển của địa phương mình và chọn cách để trở thành một phần của nó. Ngoài ra, thông qua hình thức huy động nguồn lực cộng đồng, những ưu điểm và hạn chế của dự án được xem xét thấu đáo để có những điều chỉnh phù hợp ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Nhìn chung, khi chính quyền và người dân cùng tham gia xây dựng thành phố, giá trị thực sự của trí tuệ tập thể sẽ được phát huy. Điều đó tạo cơ hội cho người dân chứng minh vai trò và đóng góp vào sự phát triển của thành phố trong tương lai, cho họ quyền tham gia vào quá trình ra quyết định của địa phương, qua đó tăng ý thức trách nhiệm chung và tình cảm của họ đối với nơi mình sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay kiến tạo thành phố đáng sống: Phát huy tối đa sức mạnh trí tuệ tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.