Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay kiến tạo thành phố đáng sống: Đô thị vị nhân sinh

Vân Hạ| 10/04/2022 04:51

(HNMCT) - Thành phố đáng sống là cụm từ được nhắc đến nhiều trong những năm vừa qua. Dường như đây là một dấu mốc mà nhiều thành phố đã và đang hướng tới, trong đó có Hà Nội. Nhưng để đạt được điều này thì cần vượt qua một hành trình dài mà cả chính quyền và người dân đều phải cùng nỗ lực.

Con người và chất lượng sống là yếu tố then chốt để đánh giá về một thành phố đáng sống. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Tiêu chí nào cho “thành phố đáng sống”?

Bàn về sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà quản lý có chung nhận định rằng, Hà Nội phải là nơi điển hình về thu hút nhân tài, người giàu, người dân có văn hóa. Mọi người đều bình đẳng và cùng được trao cơ hội phát triển tại Hà Nội. Nói cách khác, Hà Nội phải trở thành một nơi đáng sống. Hiểu theo nghĩa đó, hiển nhiên là khái niệm “đáng sống” không đơn thuần liên quan tới các chỉ tiêu về kinh tế hay cơ sở hạ tầng, mà con người và chất lượng sống mới là yếu tố then chốt.

Quy hoạch, xây dựng một thành phố dù theo hướng nào thì mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ con người. Song, lâu nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, thứ tự ưu tiên trong quy hoạch không phải lúc nào cũng đặt yếu tố con người lên hàng đầu. Sự ưu tiên dành cho các công trình xây dựng, hạ tầng giao thông dẫn đến tốc độ đô thị hóa quá nhanh, kéo theo nhiều vấn đề về môi trường, sự phát triển thiếu kiểm soát của các phương tiện giao thông cá nhân, không gian công cộng bị thu hẹp... Sức sống của nhiều thành phố, bởi thế, đã bị chìm khuất trong không gian chật hẹp, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí...

Từ bài học của các thành phố đã trải qua, những năm gần đây, Thành phố Hà Nội ngày càng chú trọng tới việc mở rộng các không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng, hình thành các tuyến phố đi bộ, phố bích họa, và mới đây là xây dựng đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng... Chưa hết, thành phố đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng như xe bus nhanh, đường sắt đô thị hay dự án phát triển xe đạp công cộng tại 5 quận nội thành sắp được triển khai.

Đây là những bước đi giúp Hà Nội đến gần hơn với các tiêu chí của một thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh mà kiến trúc sư Jan Gehl đã nêu trong cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” nổi tiếng toàn cầu. Vị kiến trúc sư này cho rằng, yếu tố con người là “sự cần thiết của quy hoạch mới”, một đô thị được kiến tạo vì sự phát triển của con người phải đạt được tầm nhìn về các thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh. Thực tế, cả bốn mục tiêu này đều có khả năng được củng cố vô hạn bằng cách thay đổi thứ tự ưu tiên, theo đó, dành sự quan tâm nhiều hơn cho người đi bộ, người đi xe đạp. Và điều này đã được chứng minh bằng sự thành công của hàng loạt thành phố lớn trên thế giới trong việc xây dựng không gian đô thị chất lượng, tạo dựng cuộc sống đô thị phong phú, như ở Copenhagen (Đan Mạch), London (Anh), Melbourne (Australia)...

Sử dụng “quyền đối với thành phố” để cùng kiến tạo

Ưu tiên đến yếu tố con người, có thể nhận ra trong những năm gần đây chính quyền thành phố Hà Nội đã thường xuyên tổ chức lấy ý kiến người dân khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể như xây dựng bãi đỗ xe, kiến trúc cầu, ga ngầm đường sắt đô thị... Những ý kiến đóng góp từ phía người dân ngày càng được lắng nghe, tiếp nhận. Điều này giúp người dân không chỉ nhận ra ý kiến của mình được tôn trọng, được tiếp thu mà còn thấy rõ ý nghĩa về quyền và trách nhiệm của bản thân đối với mảnh đất mà mình đang sống.

“Quyền đối với thành phố” là khái niệm mà nhà lý thuyết xã hội người Pháp Henri Lefebvre đã đề cập. Ông cho rằng, thành phố là một tuyệt tác tập thể mà tất cả các công dân trong thành phố đều tham gia vào việc tạo nên nó. Đời sống thành phố là sự cộng lại của rất nhiều cuộc đời, của những hoạt động sống bình thường hằng ngày. Bởi thế, những công dân của thành phố, dù là dân bản địa hay người nhập cư, dù giàu hay nghèo, ở bất cứ độ tuổi hay trình độ học vấn nào cũng đều có quyền đối với thành phố mà mình gắn bó.

Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, quyền đối với thành phố trước hết là quyền sinh sống, quyền sở hữu không gian và quyền tự do, cá nhân hóa - quyền được tham gia vào các hoạt động sản xuất, kiến tạo thành phố. Mỗi người đều góp phần vào việc tạo dựng nên thành phố và chúng ta sẽ cùng nhau định nghĩa thế nào là đáng sống. Như vậy, không phải là các nhà quản lý, quy hoạch mà chính người dân đô thị mới đóng vai trò quan trọng nhất trong chính thành phố mà họ góp phần tạo dựng.

Quyền đối với thành phố, đồng thời cũng là trách nhiệm đóng góp và xây dựng mảnh đất nơi mình đang sinh sống của mỗi người dân, mà dù là một kiến trúc sư, một nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hay người bán hàng rong, học sinh, sinh viên cũng đều có thể lên tiếng. Khi mỗi người nhận ra mình là một phần của thành phố thì mọi hành động của họ đối với mảnh đất này sẽ thể hiện sự gắn bó và trách nhiệm hơn. Mỗi cá nhân càng chủ động tham gia kiến tạo thành phố thì thành phố càng có cơ hội trở nên “đáng sống” với tất cả mọi người.

Kiến tạo thành phố không phải là điều gì quá vĩ mô, có khi chỉ đơn giản là làm tốt những công việc của mình, sống tốt cuộc sống của mình, lên tiếng và cùng thực hiện nếu có cơ hội. Như câu chuyện của Trần Văn Hải, người tham gia vào dự án Photovoice - Hà Nội qua góc nhìn của những lao động nhập cư, đã bày tỏ ý kiến: “Vào một ngày đầu xuân, tôi vô tình bắt gặp các cô cậu bé mặc trang phục dân tộc Mông dạo chơi bên hồ Hoàn Kiếm. Bản thân là một người dân tộc Sán Dìu nên tôi có sự đồng cảm lớn và vô cùng thích thú khi giữa trung tâm Hà Nội người ta vẫn có thể thoải mái thể hiện nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Tôi mong rằng các cơ quan, ban, ngành sẽ có nhiều hoạt động phù hợp để những người dân tộc thiểu số như tôi có thể quảng bá văn hóa dân tộc mình đến với người dân cả nước”.

Mỗi người dân đều góp phần vào việc tạo dựng nên thành phố đáng sống. Ảnh: Cao Anh Tuấn

Không gian sáng tạo nhất là khi tất cả cùng nhau tạo dựng

Khác với vùng nông thôn, thành phố là nơi tiếp nhận nhiều lao động nhập cư, “là nơi gặp gỡ để xây dựng đời sống chung” của những người có gốc gác khác nhau. Do đó, bản thân thành phố đã có “tính tập thể”, không gian công cộng bởi vậy mang tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng “thành phố đáng sống”. Không gian công cộng đưa con người đến gần nhau hơn và sự tương tác giữa con người với con người, con người với tự nhiên và xã hội trong không gian công cộng ấy đem lại những giá trị tinh thần, giá trị sáng tạo.

Dự án bờ vở sông Hồng tại tổ 16 phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm do Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” khởi xướng là một ví dụ. Người dân nơi đây, từ người già đến trẻ em đã hào hứng biết bao khi cùng chung tay với các đội tình nguyện viên dọn rác thải, trồng cây, sơn hàng rào... để biến bãi rác thành không gian công cộng có sân chơi cho trẻ em, có chỗ tập thể dục cho người lớn, có vườn rừng cộng đồng không chỉ tạo màu xanh, không khí trong lành, mà còn là nơi để trẻ nhỏ tìm hiểu các loài cây, người lớn có thể sinh hoạt cộng đồng. Đó chỉ là một trong nhiều dự án mà Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” đã khởi xướng và tổ chức trong những năm qua.

Là một diễn đàn thảo luận về không gian công cộng, về sự tác động của điều kiện môi trường cũng như hạ tầng cơ sở đến chất lượng sống của người dân Hà Nội, Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” là nơi các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý và đặc biệt là người dân cùng chia sẻ, thảo luận và góp ý cho việc phát triển thành phố.

Theo ông Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, đó là chủ đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Dường như đây không chỉ là vấn đề của các nhà quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách mà còn của những người hết sức bình thường đang sống và làm việc tại thành phố này. "Vì một Hà Nội đáng sống" là mạng lưới của những cá nhân, tổ chức đang sống và làm việc tại Hà Nội, những người rất muốn đóng góp công sức của mình vào sự phát triển của thành phố. Khi Hà Nội bao chứa được tất cả mọi người và mọi người đều thấy Hà Nội mở rộng vòng tay đón nhận mình, đó là lúc Hà Nội thực sự là một thành phố đáng sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay kiến tạo thành phố đáng sống: Đô thị vị nhân sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.