(HNM) - “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” là thông điệp được thành phố Hà Nội triển khai nhân Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới 5-6-2022. Xung quanh chủ đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đã chia sẻ với Báo Hànộimới về những hoạt động hưởng ứng và các giải pháp bảo vệ môi trường của Hà Nội.
Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng
- Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022, thành phố Hà Nội chọn thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh”, ông có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề này?
- Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay được tổ chức với chủ đề “Chỉ một Trái đất” nhằm kêu gọi chúng ta xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Hà Nội lựa chọn thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” cho Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của hệ thống chính trị và cả cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường như: Vận động người dân nâng cao nhận thức về lối sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất; thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa…, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Vậy, thành phố đã có những hoạt động gì hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới để tạo sự lan tỏa cũng như nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường?
- Cùng với việc phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường như: Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí, trồng cây xanh, thực hiện chương trình phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần...
Các quận, huyện, thị xã tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều sự kiện cho học sinh, sinh viên và cộng đồng để tìm kiếm các sáng kiến về bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường. Qua đó, tạo sự lan tỏa của các hoạt động bảo vệ môi trường tới mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, để động viên phong trào, tại lễ hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022, thành phố sẽ tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân, có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố
- Dù triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường nhưng chất lượng môi trường ở Hà Nội vẫn chậm được cải thiện. Theo ông đâu là nguyên nhân?
- Trước hết, do ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp chưa cao, còn tình trạng đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định, đốt rác tự phát; không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường hoặc có đầu tư nhưng không vận hành theo quy định...
Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp chưa đáp ứng đủ số lượng; phân công chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa hiệu quả. Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn thiếu. Việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư còn chậm và chưa quyết liệt…
Bên cạnh đó, hiệu ứng nhà kính toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất, mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động tiêu cực đến môi trường không khí, gia tăng lũ lụt, hạn hán, mưa bão.
- Để giảm nguồn phát thải ra môi trường, thành phố triển khai những giải pháp gì và kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
- Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường như: Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; các chỉ thị của UBND thành phố về hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; về hạn chế đốt rơm rạ...
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm; tăng cường thẩm định hồ sơ, cấp phép về bảo vệ môi trường trên địa bàn.
UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị và vệ sinh môi trường dọc sông Tô Lịch, Kim Ngưu...; thường xuyên vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở..., bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường...
Từ việc phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã…, công tác bảo vệ môi trường bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt 99-100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được gần 99% số lượng bếp than tổ ong; giảm 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; tổ chức thu gom vỏ hộp sữa tại gần 1.000 trường học...
- Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố còn những bất cập, hạn chế gì?
- Khối lượng công việc lớn, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý về môi trường tại nhiều địa phương, đơn vị còn yếu; nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của doanh nghiệp và người dân chưa cao. Mặt khác, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, lượng phương tiện giao thông, công trình xây dựng nhiều... dẫn tới quá tải về khí thải, rác thải, nước thải…, khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.
- Để thông điệp “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho thành phố triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?
- Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho thành phố triển khai hiệu quả Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại và Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề và môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông; tăng cường thực thi các giải pháp cải thiện chất lượng không khí (hạn chế đốt rơm rạ, bếp than tổ ong, kiểm soát khí thải xe máy). Cùng với đó là xây dựng phương án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết hợp quy hoạch kiến trúc cảnh quan 4 con sông nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét) giai đoạn 2021-2025...
Với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, chất lượng môi trường thành phố sẽ được cải thiện tích cực.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.