(HNM) - Hà Nội khi nào hết ngập cục bộ ở một số tuyến phố? Đây là câu hỏi mà nhiều người vẫn đặt ra khi chứng kiến những trận mưa lớn xảy ra ở Thủ đô. Bởi thực tế từ nhiều năm nay, mưa, úng ngập đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của nhân dân.
Cơn mưa lớn ngày 25-7-2019 hay đợt mưa kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa xảy ra gây ngập ở nhiều tuyến phố, một lần nữa thúc giục phải sớm hoàn thiện hệ thống thoát nước, bảo đảm nhanh chóng việc tiêu úng cục bộ cũng như thoát nước nhanh về lâu dài.
Thực tế, trước mỗi mùa mưa thì các đơn vị chức năng đều có kế hoạch chủ động ứng phó, đẩy mạnh công tác duy tu, duy trì, nạo vét hệ thống truyền dẫn thoát nước (sông, kênh, mương, cống), bảo đảm dòng chảy thông thoáng. Các nguồn tiêu là các trạm bơm được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm giữ mực nước trên hệ thống theo quy định...
Song, khi tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương phải có giải pháp lâu dài, bền vững. Trong đó, vấn đề cần được quan tâm là có hệ thống thoát nước đáp ứng mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, trạm bơm đầu mối, thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ cao.
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cảnh báo, với các trận mưa có lưu lượng 50-100mm/2 giờ, ở các tuyến phố chính khu vực nội đô vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập. Trong đó có những điểm úng ngập như: Phố Nguyễn Khuyến, Thanh Đàm, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, phố Cao Bá Quát, ngã ba La Pho - Thụy Khuê, đường Minh Khai... chưa hoàn thành đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước.
Và khi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, đủ năng lực thì mỗi khi có mưa lớn vẫn phải huy động con người ứng trực để “giải cứu” nên chưa thể xóa bỏ triệt để điểm ngập.
Những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều dự án thoát nước, nhưng vì sao ngập úng vẫn chưa hết? Có thể thấy, các điểm ngập nặng hiện nay chủ yếu ở các khu đô thị mới đang xây dựng, hoặc ở các tuyến đường có nhiều khu đô thị, mật độ chung cư cao. Các công trình xây dựng dang dở làm ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của các công trình tiêu, thoát nước. Do vậy, về lâu dài cần có sự đồng bộ trong quy hoạch, quản lý đô thị, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến hệ thống thoát nước.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND về việc bảo đảm thoát nước chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa bão năm 2019. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác tiếp nhận, bàn giao công trình thoát nước đã hoàn thành đưa vào quản lý duy trì theo phân cấp, phục vụ thoát nước chung.
Đồng thời, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước; yêu cầu dỡ bỏ, đình chỉ thi công các công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến thoát nước, bảo đảm thoát nước trong suốt mùa mưa 2019...
Nhưng như vậy không có nghĩa là trách nhiệm đặt hết vào các cơ quan chức năng của thành phố. Trách nhiệm còn của cả mỗi người dân. Nếu mỗi người ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, bảo đảm sự thông thoáng của các kênh mương, dòng sông, sẽ góp phần không nhỏ cho việc tiêu thoát nước được thuận lợi.
Bởi thực tế, ngoài bùn đất bồi lắng thì nhiều dòng sông, kênh, mương, cống thoát nước, cửa xả, hố ga ở Hà Nội vẫn thường xuyên phải tiếp nhận rác thải do một số người dân thiếu ý thức xả ra; không ít công trình xây dựng, nhà hàng vẫn vô tư xả đất, cát, dầu mỡ thừa làm ách tắc dòng chảy…
Rõ ràng, nếu không chung tay quyết liệt hành động, không thay đổi ý thức thì câu hỏi khi nào Hà Nội hết úng ngập cục bộ sẽ chưa có câu trả lời, chuyện bì bõm lội nước khi mưa lớn vẫn chưa thể có hồi kết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.