(HNM) - Không chỉ anh dũng chiến đấu, hy sinh bảo vệ Tổ quốc khi bị xâm lăng, về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tích cực tham gia công tác xã hội, làm kinh tế giỏi... Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, họ tiếp tục chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chí không mòn!
Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh, bệnh binh Lê Danh Lối, thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ) đã quyết tâm thoát nghèo bằng mô hình trồng cây bưởi Diễn. “Bị nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe yếu, vì vậy khi bắt tay phát triển kinh tế, tôi xác định việc này sẽ rất gian nan”, ông Lối chia sẻ. Nhưng không ngại khó, từ năm 1993 đến nay, ông Lối đã trồng và duy trì được gần 200 gốc bưởi Diễn, đồng thời trồng các loại rau và chăn nuôi thêm, giúp thu nhập bình quân của gia đình mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Ngoài thoát nghèo, cựu chiến binh này còn giúp nhiều đồng đội, người dân địa phương về giống cây, hướng dẫn kỹ thuật để trồng bưởi đạt chất lượng cao.
Là thương binh hạng 1/4, sức khỏe hạn chế nhưng cựu chiến binh Phạm Tiến Hải vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội với chức danh Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường phố Huế (quận Hai Bà Trưng), Phó Đội trưởng "Đội xung kích tự nguyện" của Hội Cựu chiến binh quận. Ông đã trực tiếp tham gia vận động, thuyết phục hội viên bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường Vành đai 2 trên địa bàn quận; tuyên truyền, vận động các thương binh từ nơi khác đến không tham gia những hoạt động trái quy định pháp luật và truyền thống dân tộc. Từ năm 2014 đến năm 2019, ông được Hội Cựu chiến binh thành phố tặng danh hiệu "Cựu chiến binh gương mẫu".
Cũng như ông Lê Danh Lối, ông Phạm Tiến Hải, dù là thương binh hạng 2/4 nhưng cựu chiến binh Lê Tất Thường, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội với chức danh Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 12. Vừa làm vừa tìm tòi, gần 10 năm qua, ông đã có nhiều sáng kiến đưa các phong trào đi vào cuộc sống. Điển hình như ông đề xuất mỗi quý sinh hoạt chi hội Cựu chiến binh một lần, trong đó chú trọng giải đáp thắc mắc của hội viên, đoàn kết xây dựng hội trong sạch. Để xây dựng chi bộ vững mạnh, ông thẳng thắn nêu những thiếu sót, khuyết điểm, ý thức yếu kém của một số ít đảng viên, bởi ông tâm niệm: "Tôi mong muốn địa phương ngày càng phát triển, người dân đoàn kết, sống vui vẻ".
Mãi là chỗ dựa vững chắc
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 22.000 cựu chiến binh là thương binh qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trở về với cuộc sống đời thường, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", các thương binh, bệnh binh vẫn thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức, tích cực làm giàu, tham gia công tác xã hội. Gần đây nhất, các cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh còn tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào văn kiện đại hội Đảng các cấp.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh, tiêu biểu trong hoạt động này là các tổ công tác của hội viên cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh các phường: Nam Đồng, Phương Liên, Trung Phụng của quận Đống Đa. Lực lượng này đã chủ động phối hợp với các đoàn thể tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết các “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn. Hay như các tổ, nhóm thương binh của Hội Cựu chiến binh quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh... vừa ra quân giữ gìn trật tự giao thông, vừa tham gia giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm...
Ngoài ra còn có nhiều cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khoảng 3.000 thương binh, bệnh binh được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ liên gia tự quản; hơn 2.000 thương binh, bệnh binh tham gia lực lượng dân phố, dân phòng. “Các bác, các anh chị em cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh đã có những đóng góp tích cực giúp giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn khu dân cư nói riêng và thành phố nói chung”, ông Đỗ Mạnh Tuân (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ.
“Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nói chung và các thương binh, bệnh binh nói riêng tham gia phát triển kinh tế, phát huy vai trò tích cực trên các mặt đời sống xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, mãi là chỗ dựa vững chắc của nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Nghinh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.