(HNM) - Thành phố Hà Nội đang quyết liệt tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm hình thành thói quen “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Cùng với việc tuyên truyền người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật, các chủ nhà hàng, quán nhậu cũng là chủ thể góp phần tác động mạnh mẽ đến nhận thức người dân, cùng lực lượng chức năng chung sức ngăn chặn vi phạm này...
Nhiều giải pháp hiệu quả
Khảo sát tại các nhà hàng, quán nhậu ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tuy số lượng khách hàng có giảm hơn trước nhưng vẫn còn nhiều khách đi phương tiện cá nhân đến uống rượu, bia rồi tự lái xe về.
Anh Nguyễn Công Hùng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho rằng, chỉ uống bia hơi, không uống rượu nên chắc sẽ không có nồng độ cồn cao trong hơi thở. Còn anh Phạm Huy (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cho biết, anh và bạn bè hay ngồi ở quán nhậu trong ngõ gần nhà nên chưa lần nào bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn.
Để tránh tâm lý chủ quan, đối phó của các thực khách, nhiều địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ nhà hàng, quán bia, rượu cùng phối hợp ngăn chặn tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bằng nhiều hình thức.
Theo Thiếu tá Tạ Việt Tiệp, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàng Mai), lực lượng Công an quận đã phối hợp với các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn dán hàng trăm tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” đến các nhà hàng, yêu cầu các chủ nhà hàng ký cam kết không cho khách hàng có biểu hiện say xỉn điều khiển phương tiện ra khỏi quán. Tại địa bàn phường Giáp Bát, phường Định Công, phường Vĩnh Hưng - những khu vực có nhiều quán xá tập trung đông người, lực lượng công an đã yêu cầu các chủ quán lập tổ xe ôm lưu động để đưa khách uống rượu, bia về nhà.
Anh Nguyễn Anh Thao (chủ quán vịt nướng tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ) cho biết, khi khách hàng có đề nghị hoặc nhà hàng phát hiện khách quá chén sẽ gọi xe ôm hoặc các hãng xe công nghệ để đưa khách về nhà an toàn.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng biết đến dịch vụ lái xe đưa người uống rượu, bia về nhà của các hãng công nghệ hoặc các hãng cho thuê xe tự lái như GoCheap, Bạn uống tôi lái, FastHome… với mô hình cung cấp lái xe đến địa điểm khách hàng đã uống rượu, bia để đưa khách cùng phương tiện về nhà theo yêu cầu.
Quyết tâm xây dựng thói quen mới
Trước chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, Công an thành phố đã và đang tăng cường kiểm tra diện rộng, kiên quyết xử phạt nghiêm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, quyết tâm hình thành được văn hóa, thói quen không điều khiển phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn.
Trung úy Nguyễn Hữu Phương, Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để ngăn chặn các trường hợp đối phó, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ, thay vì lập chốt tại một vị trí cố định như trước, các tổ cảnh sát giao thông sẽ sử dụng mô tô chuyên dụng tuần tra trên các tuyến đường phố. Khi phát hiện tài xế có biểu hiện sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển xe, lực lượng cảnh sát sẽ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Biện pháp này có tác dụng để các tài xế, chủ nhà hàng không thể theo dõi, báo tin cho nhau nhằm né tránh lực lượng chức năng.
Ở góc độ chính quyền cơ sở, Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Đình Hà khẳng định, hằng ngày, trên hệ thống loa truyền thanh phường đều dành thời lượng lớn để tuyên truyền tác hại của rượu, bia; trong đó tập trung tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhân dân không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Còn theo Thiếu tá Tạ Việt Tiệp, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàng Mai), việc tuyên truyền đến các nhà hàng, quán nhậu về tác hại của rượu, bia nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn giao thông và thành lập tổ xe ôm đưa người sử dụng rượu, bia về nhà là một biện pháp ngăn ngừa sớm vi phạm. Công an quận cũng duy trì nhiều tổ công tác phối hợp với công an các phường thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm mô hình trên. Quá trình giám sát sẽ kết hợp với xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.
Để xây dựng văn hóa trong tham gia giao thông, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội khẳng định, lực lượng công an sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, quyết tâm hình thành thói quen, khi lái xe thì nhất định trong người không có nồng độ cồn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.