(HNMO) - Từ ngày 6-9 đến ngày 11-9 là tuần học đầu tiên năm học 2021-2022 của học sinh các trường học trên địa bàn Hà Nội. Học sinh đã cơ bản hình thành nếp học, tỷ lệ học sinh học trực tuyến chiếm từ 99% đến gần 100%, song cũng có những trục trặc về đường truyền khiến cô, trò đôi khi không đăng nhập được vào lớp đúng giờ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau và bảo đảm chất lượng học tập, nhiều lực lượng đã và đang chung sức cùng ngành Giáo dục tháo gỡ khó khăn cho học sinh trong quá trình học trực tuyến.
Không gây quá tải
Với kinh nghiệm đã triển khai ở năm học 2020-2021, hầu hết học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã quen với hình thức học trực tuyến, trừ học sinh lớp 1. Ghi nhận chung, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, các nhà trường đã tổ chức dạy học theo thời khoá biểu và phân phối chương trình, song có điều chỉnh để không gây quá tải với học sinh.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu thông tin, khắc phục những bất cập từ năm học trước, năm nay, các nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên xây dựng kế hoạch môn học phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm tới học sinh nhỏ tuổi. Yêu cầu quan trọng đối với đội ngũ giáo viên của tất cả các môn học là rà soát để giảm tải các nội dung chương trình; lựa chọn nội dung xây dựng bài giảng trực tuyến cho phù hợp, xây dựng bài giảng theo các chủ đề, tăng cường cho học sinh học qua nhiều hình thức khác như thí nghiệm, thực hành, dự án học tập…, tránh để học sinh phải tiếp xúc quá nhiều với máy tính, điện thoại.
Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trần Nhật Anh, lớp 4K, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi thấy thời khóa biểu hiện nay của nhà trường với 4 tiết/ngày và chỉ học một buổi là phù hợp với học sinh tiểu học. So với năm học trước, hình thức giảng dạy các môn thể dục, âm nhạc, mỹ thuật đã có điều chỉnh. Tuỳ theo nội dung, các thầy, cô giáo quay clip gửi cho phụ huynh để hướng dẫn học sinh học tại nhà chứ không nhất thiết phải ngồi trước màn hình máy tính. Với diễn biến phức tạp và nguy cơ có thể còn kéo dài của dịch Covid-19, cách thức này không chỉ giúp các con được giảm tải, mà còn tránh ảnh hưởng đến sức khỏe".
Để khắc phục tình trạng nghẽn mạng do đường truyền internet, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Nguyễn Đức Lượng cho hay, đã được sự hỗ trợ tích cực của VNPT Hà Nội. Theo đó, đội ngũ giáo viên của các nhà trường được hưởng ưu đãi tốt hơn về đường truyền nhưng không tăng cước phí. Phòng cũng yêu cầu các nhà trường xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, cố gắng hạn chế số lượng truy cập mạng vào cùng thời điểm…
Tích cực hỗ trợ học sinh
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến cuối giờ chiều nay (11-9), tỷ lệ học sinh tiểu học và trung học cơ sở tham gia học trực tuyến đạt trên 99%; ở cấp trung học phổ thông đạt gần 100%. Đáng chú ý, rất nhiều trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có tỷ lệ học sinh tham gia gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, qua thống kê, toàn thành phố còn gần 5.000 học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến một cách độc lập. Để duy trì được việc học, nhiều học sinh đang sử dụng thiết bị (điện thoại, máy tính…) của bố hoặc mẹ.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến, trước diễn biến phức tạp và có nguy cơ kéo dài của dịch Covid-19, toàn ngành xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp ổn định và có thể còn triển khai lâu dài, vì vậy, việc trang bị thiết bị học tập để học sinh học một cách độc lập là cần thiết.
Các gia đình cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập của học sinh. Sở và Công đoàn ngành cũng đã phát động chương trình “Máy tính cho em” nhằm huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh khó khăn. Trong những ngày vừa qua, nhiều phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường cũng đã chủ động rà soát, huy động nguồn lực để trao tặng thiết bị cho học sinh tại địa bàn mình, kịp thời giúp các em không bị gián đoạn việc học.
Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 13-9, các trường học mới chính thức dạy học theo phân phối chương trình đối với học sinh lớp 1. Cô giáo Lê Thị Kim Cúc, Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình) cho hay, đã tận dụng tối đa thời gian từ ngày 1-9 đến nay để học sinh làm quen với cách học mới, làm quen với cô, với bạn và tạo nếp học. Cách thức này giúp cả cô và trò đỡ vất vả hơn khi chính thức bắt tay vào học chương trình, khắc phục được những bất cập của năm học trước khi học sinh không có 1-2 tuần đệm để làm quen.
Liên quan đến việc học tập của học sinh lớp 1, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho hay, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, hiện nay, hơn 6.000 học sinh lớp 1 đang học tại 31 xã, thị trấn thuộc huyện Ba Vì đều có đủ thiết bị học tập trực tuyến. Việc tổ chức cho học sinh làm quen với hình thức học này đang tiếp tục được triển khai để có thể đáp ứng tốt với chương trình bắt đầu từ ngày 13-9 tới theo kế hoạch chung của thành phố.
Tuy nhiên, căn cứ diễn biến của dịch và tình hình thực tế tại địa phương, huyện Ba Vì đang là vùng xanh an toàn, Phòng mong muốn được cho học sinh đi học trực tiếp tại trường, trước mắt là học sinh lớp 1 và lớp 2, sau đó đến các khối lớp khác. Hiện nay, cùng với việc tổ chức dạy học trực tuyến, các trường học trên địa bàn đang tích cực rà soát để bổ sung, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.