Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức đồng lòng

Lê Nhật Huy| 21/01/2010 06:22

(HNM) - Tình trạng ô nhiễm môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội ngày càng trầm trọng là vấn đề đã gây bức xúc dư luận xã hội trong nhiều năm qua. Quyết không thể để Hà Nội mang một diện mạo như vậy trong thời điểm trọng đại - Năm Đại lễ mừng thành phố tròn nghìn năm tuổi, ngay tháng cuối năm 2009 và đặc biệt là trong những ngày đầu năm 2010 này, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cùng các ngành chức năng đã liên tục bàn thảo, quyết liệt tìm giải pháp để có thể nhanh chóng tạo ra những chuyển biến tích cực về môi trường, giải cứu và đem lại sức sống mới cho các hồ nước ở khu vực nội thành.


Trong một buổi họp với các ngành chức năng vào những ngày cuối của năm cũ - năm 2009, người lãnh đạo cao nhất của thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành của Hà Nội phải nhanh chóng xây dựng đề án xã hội hóa công tác cải tạo, bảo vệ môi trường, cảnh quan của hệ thống hồ nước trong nội thành. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây chính là hành động thiết thực góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ Hà Nội xanh - sạch - đẹp, văn minh, hiện đại xứng danh là Thành phố Văn hiến - Anh hùng, xứng tầm với bề dày lịch sử khi nằm trong số hơn 20 thành phố trên thế giới có số tuổi bước qua ngưỡng một thiên niên kỷ.

Hành động khẩn trương, thể hiện rõ trách nhiệm của những người lãnh đạo thành phố, của các ngành chức năng đã đem lại niềm tin và một cách nhìn mới cho dư luận xã hội. Mỗi đơn vị, DN và từng cá nhân đều thấy bản thân mình phải có tâm thế, hành động của người trong cuộc đối với chính môi trường sống cũng như cảnh quan chung của thành phố. Và điều đó đã được thể hiện rõ bằng những hành động, việc làm cụ thể trong "Hội nghị giới thiệu đề án và công tác xã hội hóa cải tạo môi trường các hồ nội thành thành phố Hà Nội" diễn ra chiều qua (ngày 20-1) do Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chủ trì. Xét về mặt kinh tế, có thể thành phố của chúng ta chưa giàu. Với 65 hồ chưa được cải tạo, trong đó có tới 45 hồ chưa có dự án, tổng số vốn đầu tư cần bỏ ra để cải tạo môi trường lên tới trên 1.400 tỷ đồng. Ngay một lúc để có số tiền đó là chuyện không dễ dàng, khi cuộc sống thường nhật vẫn còn không ít vấn đề phải toan tính. Tuy nhiên, khi cả xã hội vào cuộc thì sức mạnh kể cả vật chất và tinh thần đều được nhân lên gấp bội. Ngay cuối giờ chiều qua, sau Hội nghị này, hơn 700 tỷ đồng đã được các DN cam kết hỗ trợ, đầu tư, đặc biệt trong đó có gần 300 tỷ đồng đã được các DN cam kết tặng Hà Nội để cải tạo môi trường các hồ nước nội thành.

Gánh nặng về kinh phí để đầu tư cải tạo môi trường các hồ ở Hà Nội đã vơi nhẹ đi phần nào. Nhưng tiếp sau Hội nghị này là không ít vấn đề phải triển khai thành hành động. Trước hết, như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, toàn thể guồng máy thành phố phải vào cuộc, vận hành trơn chu, với những cam kết cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư tham gia những dự án về lĩnh vực này. Không thể để guồng máy đó bị ách tắc bởi sự thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tư lợi của bất kỳ cá nhân nào. Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng không kém là sử dụng số tiền đầu tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất, thì "nhà" chưa giàu, việc phải cân nhắc, đong đếm, lựa chọn sao cho phù hợp với "đồng tiền bát gạo" bỏ ra là điều không thể không tính toán...

Một khi guồng máy đã vận hành, lòng người đều chung một chí hướng, một mục đích, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tính khả thi và hiệu quả của những đề án này. Nếu trong từng công việc, mà điển hình như chuyện cải tạo môi trường các hồ ở Hà Nội, chính quyền, người dân, DN đều đồng thuận, chung sức đồng lòng thì chắc chắn Thủ đô của chúng ta sẽ đẹp lên rất nhiều - đẹp cả trong tâm hồn từng con người Hà Nội và đẹp trong mắt của bạn bè bốn phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức đồng lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.