Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức ''3 bên'' bảo đảm an toàn bữa ăn học đường

Thống Nhất| 28/09/2022 07:04

(HNM) - Bước sang tuần học thứ tư của năm học 2022-2023, công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học của các trường trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản nền nếp. Dù vậy, mối lo bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn thường trực. Là đơn vị có gần 90% số học sinh ăn bán trú, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) xác định việc bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú là nhiệm vụ quan trọng. Nhà trường - gia đình và đơn vị cung ứng thực phẩm đang nỗ lực chung sức để trường tiếp tục là đơn vị hàng đầu trong khối tiểu học trên địa bàn thành phố về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Một bữa ăn bán trú của học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Minh Đức

Chọn đơn vị cung ứng uy tín

Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 800 trường tiểu học với hơn 800.000 học sinh; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt trên 90%. Tuy nhiên, khác với cấp mầm non, việc tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường không phải là nhiệm vụ của cấp tiểu học, nhằm đáp ứng nhu cầu của cha mẹ học sinh.

Cùng với các trường học trên địa bàn thành phố, công tác bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú cho học sinh được Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Năm học 2022-2023, nhà trường có 1.700 học sinh ăn bán trú, nhiều hơn 100 em so với năm học trước, đòi hỏi các điều kiện tổ chức cho học sinh ăn bán trú cần được quan tâm nhiều hơn. Khu bếp của trường được đặt trên tầng 4 với diện tích gần 200m2. Trước ngày khai giảng, nhà trường đã rà soát toàn bộ các điều kiện, trang thiết bị nhà bếp để bảo đảm tuân thủ các quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cô giáo Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy cho biết, việc lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm là khâu rất quan trọng. Nhà trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty TNHH Hương Việt Sinh, một trong những đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường. Việc bảo đảm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết mà nhà trường yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc, trong đó yêu cầu: Khu vực bếp ăn phải bảo đảm một chiều, chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín và túi ni lông lót… Đội ngũ nhân viên nhà bếp có đủ sức khỏe, mặc trang phục đúng quy định, chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sơ chế đến lúc thành phẩm… Nhà trường và đơn vị cung ứng thực phẩm cũng đã ký kết hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ, nêu rõ trách nhiệm của từng bên, với mục tiêu bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Nội quy bếp ăn của trường cũng được xây dựng, niêm yết công khai để mọi thành viên dễ thấy, tuân thủ.

Em Lương Hải Linh, học sinh lớp 5A5, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy chia sẻ: “Con học bán trú từ khi học lớp 1 và thấy suất ăn trưa ở trường rất ngon. Thức ăn thay đổi theo ngày, nên không bị chán. Các bác nấu ăn cũng vừa miệng, nên trưa nào con và các bạn cũng ăn hết suất”.

Cộng đồng trách nhiệm

Với số lượng học sinh ăn bán trú đông, bên cạnh việc lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm uy tín, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy xác định, việc cộng đồng trách nhiệm giữa nhà trường, gia đình và công ty cung ứng trong việc tổ chức bữa ăn bán trú là chìa khóa để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, vừa tăng tính minh bạch, công khai để có sự tin tưởng bền vững.

Khoảng 6h sáng hằng ngày, khi thực phẩm dùng trong ngày được vận chuyển đến trường, tổ giám sát của trường (gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên, thanh tra, phụ huynh học sinh) đều có mặt ở trường để chứng kiến, kiểm tra cả số lượng và chất lượng thực phẩm. Việc kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào được xác định là khâu rất quan trọng để ngăn chặn thực phẩm “ba không” (không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng).

Nhà trường cũng tuân thủ nghiêm túc quy trình kiểm thực ba bước, gồm kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn; đồng thời lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Toàn bộ quy trình từ sơ chế, nấu nướng, chia đồ, vận chuyển đến khi phục vụ, vệ sinh sau khi học sinh kết thúc bữa ăn đều có sự giám sát của các thành viên nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh. Bất kể bậc phụ huynh nào cũng có thể tham gia vào tổ giám sát hoặc đến trường kiểm tra đột xuất…

Nhờ sự công khai, minh bạch cùng với việc chấp hành nghiêm túc các quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm của các thành viên, chất lượng bữa ăn cho học sinh luôn được bảo đảm và nhận được sự tin tưởng của phụ huynh.

Theo ông Lương Trọng Toàn, phụ huynh có 2 con đang học tại Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, sau ngày khai giảng năm học mới vừa qua, nhà trường và đại diện phụ huynh của toàn bộ 41 lớp đã trực tiếp đi kiểm tra tại Công ty TNHH Hương Việt Sinh. "Chúng tôi thấy công ty đầu tư trang trại trồng rau, trái cây theo tiêu chuẩn; liên kết với các đơn vị chăn nuôi để chủ động nguồn cung ứng thực phẩm an toàn; các quy trình chế biến thực phẩm được thực hiện bảo đảm vệ sinh… Chúng tôi cũng đã thông tin lại cho các phụ huynh của lớp, của trường và hoàn toàn yên tâm khi gửi con ăn bán trú" - ông Lương Trọng Toàn cho biết.

Khẳng định sự đồng hành, trách nhiệm trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường, bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh cho biết, đơn vị đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào, kiểm soát các khâu chế biến ra thành phẩm, chứ không chỉ là việc bảo đảm đủ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục pháp lý. Với kinh nghiệm của một đơn vị hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm, suất ăn trường học, hiện đang cung cấp gần 90.000 suất ăn cho gần 80 trường học trên địa bàn Hà Nội, công ty cam kết thực hiện đúng phương châm “Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn” cho học sinh, sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm trước phụ huynh, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước, nếu để xảy ra mất an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức ''3 bên'' bảo đảm an toàn bữa ăn học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.