Giáo dục

Hà Nội: Số trường tiểu học có tổ chức bữa ăn học đường đạt khoảng 65%.

Thu Hằng 27/02/2024 - 12:03

Sáng 27-2, Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức buổi hội thảo “Bữa ăn an toàn trong trường học - Thực trạng và giải pháp”.

co-ann.jpg
Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An phát biểu.

Theo Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An, Hà Nội là một trong những địa phương có số học sinh ăn bán trú lớn nhất toàn quốc. Tuy nhiên, công tác tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường học hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thực đơn, tính toán thành phần dinh dưỡng bữa ăn; cách tổ chức bữa ăn học đường trong điều kiện cơ sở vật chất của một số trường còn khó khăn và chưa hoàn thiện.

Bên cạnh đó, trẻ em, học sinh thường có thói quen ăn uống chưa phù hợp... Do đó, đội ngũ nữ trí thức Thủ đô cần có sự quan tâm vào nhiệm vụ hết sức quan trọng này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn học đường hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể của các trường bán trú tại Hà Nội.

ba-thu.jpg
PGS.TS Trịnh Hoài Thu trình bày tham luận.

Theo PGS.TS Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm học 2023-2024, Hà Nội có 817 trường tiểu học (trong đó có 724 trường công lập và 93 trường tư thục). Số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 99,87%. Tuy nhiên, số trường tiểu học có tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh hiện mới đạt khoảng 65%. Do nhiều nguyên nhân nên Hà Nội chưa tổ chức được bữa ăn học đường cho tất cả học sinh tiểu học.

Bên cạnh đó, những trường đang tổ chức bữa ăn học đường cũng có những vướng mắc như: Nhân lực triển khai tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm tại trường học còn thiếu cả về số lượng và chất lượng; vẫn còn có hiện tượng một số loại thực phẩm ở căng tin chưa bảo đảm; việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng học sinh bị ngộ độc thức ăn xảy ra trong năm 2023 ở một vài trường tiểu học. Do đó, việc tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.

1ssu.jpg
PGS.TS Phan Thị Sửu trình bày tham luận.

Đưa ra các giải pháp để bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể của các trường bán trú, PGS.TS Phan Thị Sửu, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam) nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện tốt kiểm thực 3 bước trong các bếp ăn tập thể, cần chú ý đến việc phải chế biến thực phẩm đúng cách.

Ví dụ như: Cà rốt, cà chua ăn khi nấu chín tốt hơn vì sẽ sản sinh ra nhiều carotenoid; phi tỏi nên cho tỏi vào khi mỡ chưa sôi (giữ được hương vị của tỏi); không nên ăn quá nhiều chất xơ (đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, tắc đường ruột); hạn chế sử dụng các thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, nhất là thực phẩm cho trẻ em; nên dùng các chất thơm tự nhiên từ vỏ quả cam, quả chanh, hồi, quế, thảo quả, lá nếp, rau thơm các loại…

co-an.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An đánh giá cao các đề xuất, giải pháp cải thiện bữa ăn học đường của học sinh, qua đó, góp phần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý bữa ăn học đường tại các trường học trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Số trường tiểu học có tổ chức bữa ăn học đường đạt khoảng 65%.

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.