Dữ liệu thống kê ghi nhận thị trường máy tính cá nhân đã trải qua giai đoạn kinh doanh đầu năm 2025 thuận lợi, nhưng giới chuyên môn tỏ ra bi quan về doanh số trong mùa hè này, khi những biện pháp thuế bắt đầu đe dọa chuỗi cung ứng và thị trường bán lẻ.
Theo hãng phân tích Canalys, lượng máy tính cá nhân, bao gồm cả máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy trạm, bán ra trên toàn cầu đạt 62,7 triệu chiếc trong quý I-2025, tương ứng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, doanh số máy tính xách tay (bao gồm cả máy trạm di động) đạt 49,4 triệu chiếc, tăng 10% so với quý I-2024. Doanh số máy tính để bàn (bao gồm cả máy trạm để bàn) tăng 8% so với cùng kỳ, lên 13,3 triệu chiếc.
Theo giới chuyên môn, doanh số máy tính cá nhân toàn cầu trong quý I-2025 tăng trưởng tích cực do được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) tăng cường xuất khẩu sang Mỹ trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng thuế quan giai đoạn đầu. Một ví dụ là Lenovo và HP đều tăng lượng hàng đưa đến Mỹ trong quý I-2025 tương ứng khoảng 20% và 13%.
"Chiến lược phủ đầu này cho phép các nhà sản xuất và kênh phân phối tích trữ hàng hóa trước khi chi phí có thể tăng vọt, dù nhu cầu của người dùng cơ bản đang ổn định", nhà phân tích Ishan Dutt của Canalys bình luận, đồng thời cho rằng, sau đợt thuế ngày hôm nay (9-4) của Washington, tình hình kinh doanh máy tính sẽ chậm lại khi khách hàng đối mặt với giá máy cao hơn.
Các ý kiến dự báo tỏ ra lo ngại thời điểm những đợt thuế quan cao hơn mà Mỹ áp dụng đối với nhiều quốc gia, cũng như những "đòn trả đũa" bắt đầu có hiệu lực. Những tác động, cả trực tiếp và gián tiếp, được cho là sẽ đe dọa sự phục hồi của thị trường máy tính cá nhân toàn cầu. Điều này diễn ra bất chấp việc Microsoft thông báo ngừng hỗ trợ Windows 10 được dự báo có thể tạo ra động lực tăng trưởng cho thị trường trong phần còn lại của năm 2025.
Tác động của thuế quan đối với nhu cầu của người tiêu dùng được dự báo sẽ rất đáng kể, trong bối cảnh việc mua một chiếc máy tính với giá cao hơn chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh tiêu dùng đắt đỏ hơn đáng kể khi hầu hết các mặt hàng đứng trước rủi ro gánh chi phí lớn hơn.
Cũng với lý do này, khối khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí, được dự báo có thể làm chậm đà chuyển đổi quan trọng khi Windows “hết đát”. Đó là chưa kể tới việc tiến trình “phổ cập” các trào lưu công nghệ mới - đòi hỏi phần cứng mới, như trí tuệ nhân tạo (AI) - cũng có thể bị trì hoãn.
Từ góc độ sản xuất, những “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất thiết bị gốc thực tế đã tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Nhóm này được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi trong năm nay, nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động của thuế quan. Nhiều quốc gia đã bày tỏ thiện chí đàm phán với Washington để xử lý vấn đề thuế đang được các nhà sản xuất máy tính cân nhắc.
Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, Giám đốc điều hành HP Enrique Lores cho biết, 90% sản phẩm mà hãng bán tại Mỹ sẽ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vào cuối năm nay.
Hiện nay, không nhiều hãng sản xuất máy tính tại Mỹ. Apple, MSI, Lenovo chỉ có một số dây chuyền sản xuất lượng máy nhỏ ở Mỹ, trong khi các hãng thuần sản phẩm "Made in USA" chủ yếu là tên tuổi nhỏ bản địa như Origin PC hay Digital Storm.
Cũng theo các thống kê, quý I-2025 chứng kiến Lenovo duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường máy tính cá nhân toàn cầu, khi bán ra 15,2 triệu máy tính xách tay và máy tính để bàn, tăng trưởng mạnh mẽ 11%. Thị phần của Lenovo hiện ở mức 24,2% - nhỉnh hơn chút ít so với mức 24% của quý I-2024.
HP đứng thứ hai với 12,8 triệu chiếc máy tính bán ra, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau nhiều quý giảm, Dell đã đạt mức tăng trưởng 3% trong quý đầu năm 2025, với lượng máy bán ra đạt 9,5 triệu chiếc.
Về phần mình, Apple đảm bảo vị trí thứ tư với mức tăng trưởng kỷ lục 22%, tương ứng 6,5 triệu máy. Hiện nay, Apple đang nắm giữ 10,4% thị phần máy tính cá nhân toàn cầu.
Asus “chốt” top 5 bảng xếp hạng các nhà sản xuất máy tính cá nhân có doanh số tốt nhất trong quý I-2025 với mức tăng trưởng 8,8%, tương ứng 4 triệu chiếc bán ra. Nhà sản xuất Đài Loan (Trung Quốc) này hiện giữ khoảng 6,4% thị phần toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 6,5% của quý I-2024.
(Tham khảo số liệu từ Canalys, ASUS, HP)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.