Doanh nghiệp

Xây dựng kịch bản ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong - Tiến sỹ Dương Quốc Quân 08/04/2025 - 16:55

Chính sách áp thuế đối ứng mới của Mỹ là động thái chưa từng có tiền lệ lịch sử cả trong và ngoài nước Mỹ, được kỳ vọng có thể mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ và cũng nhận được nhiều cảnh báo tiêu cực cho chính nước Mỹ, cũng như hệ luỵ nặng nề và làn sóng phản ứng toàn cầu… Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những phản ứng chính sách linh hoạt.

Một mũi tên nhắm vào 4 đích…

xuat-khau-hang-hoa.jpg
IMF dự kiến ​​sẽ sớm điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2025.

Khu vực châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của việc Mỹ áp thuế đối ứng, với mức thuế: Campuchia 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 45%, Thái Lan 37%, Trung Quốc 34%, Indonesia 32%, Đài Loan (Trung Quốc) 32%, Ấn Độ 27%, Hàn Quốc 26%, Brunei, Nhật Bản và Malaysia đều là 24%, và Philippines là 18%, Singapore 10%. Lesotho ở châu Phi chịu mức cao nhất tới 50%. Riêng Trung Quốc sẽ chịu mức thuế lên tới 54% vì Mỹ đã tăng thêm 20% trước đó.

Công thức tính thuế nhập khẩu của Mỹ là phi truyền thống và đơn giản chỉ lấy mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với quốc gia đó chia cho tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó vào Mỹ và chia tiếp kết quả cho 2, rồi làm tròn.

Dù gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia kinh tế-tài chính, song nó được chính quyền Mỹ kỳ vọng tập trung xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với từng quốc gia riêng lẻ, tạo áp lực buộc đối tác có thặng dư cao với Mỹ phải tự cân bằng để hưởng thuế suất thấp hơn, thông qua hạ thuế nhập khẩu và tăng nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu Mỹ; tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước và buộc chuỗi cung ứng chuyển sản xuất về Mỹ; đồng thời, tạo dư địa, “gợi mở và áp lực” đàm phán thiết lập “thuế quan đối xứng giảm giá”, để các đối tác có thặng dư thương mại cao phải tiếp tục đàm phán riêng lẻ theo hướng mang thêm lợi ích cơ hội cho Mỹ.

Việc Mỹ áp mức thuế quan riêng với từng quốc gia (thay vì áp thuế 20% lên tổng hàng hóa vào Mỹ và đã gây ra cuộc đại suy thoái kinh tế Mỹ năm 1933), cho thấy, Mỹ ngầm để cửa cho mỗi nước sẽ đàm phán thỏa thuận về thương mại với Mỹ trong tương lai.

Hiện tại thế giới chia hai nhóm: Phản đối trực tiếp chính sách thuế mới hoặc xúc tiến các hoạt động thương lượng song phương với Mỹ. Một số ý kiến nhấn mạnh, đây là bước ngoặt không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nước Mỹ có thể đối diện với những hệ luỵ đáng quan ngại, thậm chí bị đáp trả và gia tăng cuộc chiến thuế quan thương mại, căng thẳng đối ngoại cả với các đối thủ lớn nhất và đối tác thân cậy nhất.

Sự gia tăng chi phí hàng nhập khẩu và áp lực lạm phát trở lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng nội địa và làm suy giảm tổng cầu xã hội, kéo theo suy giảm kinh tế Mỹ và cả kinh tế thế giới. Nếu chiến tranh thương mại mở rộng, điều đó sẽ có tác động lớn hơn nữa lên các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

IMF dự kiến ​​sẽ sớm điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2025. Tác động đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ rất khác nhau, do phạm vi thuế quan dao động từ 10% - 49%.

Sau khi chính sách thuế mới của Mỹ được công bố, giá cổ phiếu tương lai của Mỹ giảm tới 3%; giá dầu giảm... Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm mạnh.

Hoa kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, thị trường xuất siêu số 1 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất, một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam và đang dần trở thành nguồn cung về các sản phẩm máy móc, thiết bị, khoa học công nghệ, năng lượng, tạo động lực mạnh cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2024 đạt gần 150 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước và thặng dư thương mại 123,5 tỷ USD.

Phản ứng chính sách linh hoạt

Việc Việt Nam là nước chịu mức thuế đối ứng cao tới 46% đang gây áp lực lớn và lo lắng cho cộng đồng xuất khẩu Việt Nam, nhất là 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024, là điện tử; dệt may, da giầy; gỗ và sản phẩm từ gỗ; nông-thủy-hải sản chiếm; thép và nhôm.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có khả năng giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng và thị phần xuất khẩu, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng; đồng thời, có thể một số các doanh nghiệp FDI (đặc biệt từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc) xem xét lại chiến lược đầu tư tại Việt Nam…

Theo Bộ Công Thương diện thuế áp dụng rộng với mức 46% sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, có thể làm sụt giảm từ 30–40 tỷ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chiếm khoảng 91–92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ và khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.

Ngoài ra, việc giảm xuất khẩu sang Mỹ có thể gây áp lực về giảm xuất siêu, giảm nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu và gia tăng áp lực lên tỷ giá, việc làm, thu nhập và an sinh xã hội trong thời gian trước mắt… Điều này phụ thuộc vào khả năng đàm phán, kích thích tiêu dùng nội địa và đầu tư công, cùng khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ và doanh nghiệp.

Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ ban ngành để đánh giá tình hình và thảo luận tìm ra giải pháp trước mắt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh để lắng nghe các ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động ứng phó để giảm thiểu tác động và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nội địa hóa và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có chuyến công tác tại Hoa Kỳ, đàm phán đưa mức thuế về 0% đối với hàng hóa nhập từ Mỹ và đề nghị Mỹ áp mức thuế tương tự. Danh sách mua hàng do Chính phủ quyết định.

Trước mắt, cùng với việc tiếp tục tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng nội lực và năng lực cạnh tranh, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng, như: Sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí và dịch vụ học tập, du lịch, y tế...; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Hoa Kỳ; tăng khả năng cung cấp các mặt hàng mà Mỹ cần và thúc đẩy tăng nhập khẩu từ Mỹ để sớm cải thiện cán cân thương mại, do đó, tạo động lực cải thiện giảm thuế đối xứng với Hoa Kỳ.

Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động và kịp thời nắm chắc tình hình, giữ bản lĩnh, sự sáng suốt, sáng tạo, khôn khéo trong điều hành, quản lý; kiên định, kiên trì về những nguyên tắc cơ bản; bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả.

Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng... phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng của năm nay là 8% trong năm nay và 2 con số những năm tiếp theo.

Cộng đồng doanh nghiệp cần bình tĩnh, chủ động nắm tình hình, đánh giá tác động và xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt; sớm làm quen và chuyển từ trạng thái "thuế nhập khẩu nguyên liệu cao" sang "thuế nhập khẩu thành phẩm cao"; vừa tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, vừa chuyển đổi mạnh sang sản xuất FOB (chủ động nguyên liệu, hoàn thiện sản phẩm) để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế, đẩy mạnh việc khai thác các thị trường tiềm năng thông qua FTA và đa dạng hóa thị trường để tăng cường xuất khẩu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng kịch bản ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.