Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn hóa nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Lâm Vũ| 08/10/2016 07:38

(HNM) - Nguồn nhân lực du lịch Thủ đô, dù được đánh giá có chất lượng dẫn đầu cả nước nhưng vẫn còn những bất cập.

Chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành

Tính đến hết năm 2015, số lượng lao động trực tiếp trong Ngành Du lịch Thủ đô là khoảng 88.000 người, trong đó có 57.000 lao động làm việc trong các cơ sở lưu trú, 9.000 lao động làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, 2.000 lao động làm việc tại các khu, điểm du lịch và khoảng 20.000 lao động làm việc trong các nhà hàng, trung tâm hội nghị, trung tâm mua sắm, quán bar... Ngoài ra, còn có khoảng 200.000 lao động gián tiếp tham gia vào các hoạt động có liên quan đến du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với khách tham quan khu trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Hải Anh


So với mặt bằng chung của cả nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội tương đối tốt với khoảng 70% số lao động đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; trong đó, khoảng 15% số lao động có trình độ đại học và trên đại học. Riêng trong khối lữ hành và khách sạn, khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và khách sạn từ 3 đến 5 sao đều có trình độ đại học trở lên, sử dụng thành thạo ngoại ngữ và các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại.

Mặc dù vậy, nguồn nhân lực của du lịch Thủ đô vẫn chưa theo kịp sự vận động và tốc độ phát triển của Ngành Du lịch. Cụ thể, lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng chiếm đến 80% tổng số lao động ngành, nhưng lại thiếu trầm trọng những người được đào tạo nghiệp vụ ở trình độ cao. Thực tế cho thấy, đội ngũ làm quản lý ở các khách sạn cao cấp hầu hết là người nước ngoài. Lực lượng hướng dẫn viên du lịch cũng đang phát triển một cách mất cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách. Ví như, Hà Nội hiện mới có 8 hướng dẫn viên tiếng Hàn, 18 hướng dẫn viên tiếng Thái, 35 hướng dẫn viên tiếng Italia. Những thiếu hụt, mất cân đối này đã và đang ảnh hưởng không tốt tới chất lượng dịch vụ mà Thủ đô cung cấp cho du khách.

Tiếp tục đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ nhân lực du lịch nên tại Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, Thành ủy đã đặc biệt chú trọng đến giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp khi tham gia vào hoạt động du lịch; tăng cường đào tạo về nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh, lái xe du lịch chuyên nghiệp. "Hà Nội sẽ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu du lịch, nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện cho tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó, chủ động liên kết với các viện, trường đại học và cao đẳng có các ngành đào tạo du lịch, văn hóa nghệ thuật, quản trị kinh doanh như Viện Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đào tạo Doanh nhân PTI... nhằm thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đúng chuyên ngành về làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố", ông Đỗ Đình Hồng cho biết.

Người đứng đầu Ngành Du lịch Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh ngoại ngữ chính, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu để có cơ chế khuyến khích các trường đại học dạy thêm ngoại ngữ tiếng Hàn, Thái, Nhật, Italia… cho sinh viên chuyên ngành quản trị kinh doanh, hướng dẫn du lịch để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ các thị trường khách du lịch quốc tế không sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp. Không chỉ vậy, Hà Nội còn hỗ trợ đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý du lịch bằng các hình thức tập huấn, đào tạo tại các viện, trường trong nước, mời chuyên gia nước ngoài đào tạo, tập huấn tại Hà Nội hoặc tại cơ sở đào tạo nước ngoài. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo và ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo về du lịch trong và ngoài nước, phát triển mô hình khách sạn trường học để đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế.

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực và cải tiến không ngừng, đội ngũ những người làm du lịch Hà Nội sẽ ngày một lớn mạnh, đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của du khách đặc biệt trong thời điểm Ngành Du lịch đang cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn hóa nguồn nhân lực cho ngành du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.