Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018-2019, đảm bảo tiến độ...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Các tỉnh rà soát các công trình thủy lợi lấy nước không hiệu quả trong vụ đông xuân 2017-2018; khẩn cấp nâng cấp, lắp đặt các trạm bơm dã chiến có thể vận hành chủ động, không phụ thuộc hoặc ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện để đẩy nhanh tiến độ lấy nước.
Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chủ động sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy nước và tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng sang loại thích hợp hơn ở những vùng cao, xa, thường gặp khó khăn về cấp nước và vùng trũng, thấp, thường xuyên bị ngập, lụt, úng. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát lòng sông Hồng, góp phần hạn chế tình trạng hạ thấp lòng sông.
Các địa phương đề xuất giải pháp chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân, để từng bước không phụ thuộc vào việc điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện.
Những năm gần đây, việc điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện để phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gặp nhiều khó khăn do tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng, dẫn đến mực nước hạ du sông Hồng không được duy trì liên tục ở mức yêu cầu.
Điển hình trong các đợt lấy nước, chỉ khoảng 30% thời gian mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội đạt mức yêu cầu (+2,2m), dẫn đến một số công trình thủy lợi như: Trạm bơm Phù Sa, trạm bơm Thanh Điềm (Hà Nội), cống Liên Mạc (hệ thống thủy lợi sông Nhuệ), cống Long Tửu (hệ thống thủy lợi Bắc Đuống)… có hiệu suất lấy nước rất thấp, ảnh hưởng tiến độ lấy nước của một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.