Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ

Linh Chi| 18/12/2014 06:37

(HNM) - Làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi là vấn đề rất cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Huân (78 tuổi) ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa có 5 con. Thời trẻ quanh năm vất vả, ông bà dồn hết sức chăm sóc, nuôi dưỡng, cho các con học hành. Khi trưởng thành, con gái lấy chồng, con trai lấy vợ đều được bố mẹ chia đất, ruộng dù không nhiều. Ba người con trai và cả 3 con dâu ông đều phải ra Hà Nội làm thuê, bán hàng rong, để lại ruộng vườn, nhà cửa và 5 đứa cháu nội từ 2 đến 12 tuổi cho hai ông bà. Tài sản, ruộng đất đã chia hết cho con, lương hưu không có, ngày ngày ông bà phải vật lộn với công việc ruộng vườn, chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Vất vả nhưng chẳng dám kêu ca nửa lời vì ông bà cho rằng mình chẳng giàu có, không giúp được gì nhiều cho con.

Mặc dù đang ở giai đoạn “dân số vàng” song quá trình già hóa dân số nước ta đã diễn ra với tốc độ nhanh. Ảnh: Nhật Nam


Bà Nguyễn Thị Thoa (70 tuổi) ở xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, có chồng là liệt sĩ tuy khác hoàn cảnh nhưng cũng gặp khó khăn tương tự. Thời trẻ, bà dành hết công sức, tiền của để chăm sóc, nuôi dưỡng và cho 2 con học hành. Đến tuổi 60, bà chia hết nhà cửa, ruộng vườn, tài sản cho con cháu; chỉ dành cho mình khoản tiền trợ cấp vợ liệt sĩ và tiền hằng ngày bán rau tự trồng được trên đất lưu không. Cũng giống như vợ chồng ông Huân, bà Thoa đã đi qua hai cuộc chiến tranh với nhiều khó khăn, mất mát, lại một mình nuôi con nên không có để tích lũy phòng thân khi về già.

Hai trường hợp trên chỉ là hai ví dụ trong rất nhiều hoàn cảnh mà dù đã vào độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng NCT vẫn phải bươn chải tự lo cho cuộc sống của mình. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi cấu trúc gia đình thay đổi, cha mẹ già không sống cùng con cháu, NCT gặp rất nhiều khó khăn.

Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện năm 2014 của Viện Chính sách công và quản lý (thuộc ĐH Kinh tế quốc dân) vừa công bố tại Hà Nội cuối tháng 11-2014, hầu hết NCT chưa từng nghĩ cho tuổi già từ khi còn trẻ, thậm chí họ quên đi việc cần phải phòng bị cho lúc về già. Điều này có nguyên nhân từ truyền thống gia đình đa thế hệ với những ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ giữa các thế hệ, theo quan niệm "trẻ cậy cha, già cậy con". Họ cho rằng, chỉ cần đầu tư cho con, nhất là con trai, khi trưởng thành, con cái sẽ có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, ông bà.

PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, trên thực tế, chỉ gần 10% NCT có tích lũy cho bản thân. Không ít NCT sau khi chia hết tài sản cho con đã trở nên mất vị thế ngay trong gia đình. Thực tế cho thấy, nếu họ có khoản thu nhập ổn định như lương hưu, có thu nhập từ làm thêm, kinh doanh buôn bán hoặc có tài sản thì đó sẽ là hình thức để NCT bảo đảm cho cuộc đời, khẳng định vị thế trong gia đình, cộng đồng. Thậm chí có NCT còn bày tỏ sự thật đau lòng: "Chia tài sản rồi thì không được nói, không dám nói nữa vì chẳng còn quyền hành gì, hơn nữa lại phải phụ thuộc vào con cháu". Trong khi đó, phần lớn NCT không có nhận thức đầy đủ về tình trạng bệnh tật của mình, thường tự đoán bệnh và chữa trị theo thói quen, kinh nghiệm dân gian; không có biện pháp phòng ngừa và chữa bệnh kịp thời từ khi còn trẻ, dẫn đến bệnh về già càng nặng, càng khó chữa khỏi và chi phí rất tốn kém…

Vậy làm thế nào để việc già hóa thành công, NCT được chăm sóc, phát huy và đáp ứng nhu cầu? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, quan trọng nhất là chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về việc chuẩn bị, tích lũy tài sản, sức khỏe; giúp thế hệ trẻ cách lập kế hoạch cho tuổi già từ khi còn trẻ. Để làm tốt điều này, rất cần có nghiên cứu, đánh giá về nhận thức và sự chuẩn bị cho tương lai khi về già của những người trẻ hiện nay… Không ai tránh được tuổi già, nhưng làm thế nào để có một tuổi già thư thái, được tôn trọng, yêu thương, được chăm sóc phù hợp lại đòi hỏi mỗi người sự khôn ngoan đi kèm kế hoạch và chiến lược rõ ràng mới có thể thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.