Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa phát hiện việc thu mua lợn ốm, chết

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh| 09/07/2016 05:44

(HNM) - Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt lo ngại trước thông tin một số hộ dân thu mua lợn ốm, chết bán ở các chợ trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Thường Tín... đem về nội thành tiêu thụ. Để tìm hiểu việc này, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với các ngành chức năng, trực tiếp gặp những hộ dân được cho là đã

Mới 7h30 ngày 8-7 nhưng tại điểm buôn bán lợn ở xã Bình Phú (Thạch Thất) đã không còn hộ bán lợn nào hoạt động. Tất cả đã dọn sạch, trả lại mặt bằng cho các hộ kinh doanh khác… Trao đổi về vấn đề này, Trưởng trạm Thú y xã Bình Phú Cấn Văn Hà cho biết, điểm kinh doanh buôn bán thịt lợn ở đây phát sinh từ năm 2008, hiện có 25 hộ buôn bán 50-60 con lợn/ngày. Thời gian diễn ra từ 3h30 đến 5h. “Hằng năm, chính quyền địa phương phối hợp với phòng chức năng của huyện ký cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tới từng hộ với nội dung không bán lợn có chất cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vào thời gian họp chợ hàng sáng đều có lực lượng chức năng của huyện, xã kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thử test nhanh độ pH trên lợn, chưa phát hiện có hộ kinh doanh nào buôn bán lợn ốm, chết”, ông Cấn Văn Hà cho biết.

Điểm buôn bán lợn ở xã Bình Phú (Thạch Thất).



Còn theo ông Nguyễn Duy Đáng - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thạch Thất, từ năm 2015, có thông tin về việc bán thịt lợn ốm, chết ở điểm mua bán lợn tại xã Bình Phú, các ngành chức năng của huyện đã trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, qua kiểm tra chỉ phát hiện thấy các hộ bày bán thịt lợn dưới nền đất nên đã yêu cầu các hộ làm 35 bàn inox để bảo đảm vệ sinh.

“Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng huyện đã bắt được 2 vụ vận chuyển lợn ốm, chết trên đường Láng - Hòa Lạc, đã tịch thu, tiêu hủy 180kg lợn. Còn tại điểm buôn bán lợn Bình Phú chưa phát hiện hộ nào buôn bán lợn ốm lợn chết”! - ông Nguyễn Duy Đáng khẳng định. Trước thông tin lợn ốm, lợn chết bán tại đây, chị Nguyễn Thị Yến - hộ kinh doanh thịt lợn tại điểm buôn bán lợn Bình Phú bức xúc: “Thịt lợn ở đây chủ yếu phục vụ cho người dân trên địa bàn huyện, người tiêu dùng rất sành ăn, nếu thịt lợn ôi, thiu họ cũng không mua. Không những vậy còn mất uy tín, bán lợn ốm, chết chỉ được một lần, lần sau không ai còn dám bén mảng đến".

Làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhân của chiếc danh thiếp in "chuyên mua lợn ốm, lợn chết", nhà ở xóm 4, thôn 6, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì thừa nhận danh thiếp này là của mình, nhưng được in và sử dụng từ năm 2012. Anh Sơn cho biết, có thu gom lợn ốm, chết tại thời điểm đó để bán cho một cơ sở nuôi chó thương phẩm tại khu vực Suối Hai, xã Thụy An với giá rất rẻ, chỉ 100-300.000 đồng/con tùy trọng lượng. Tuy nhiên, từ 4 năm nay anh Sơn đã từ bỏ nghề này.

Xác minh tại xã Thuần Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thuần Mỹ Phạm Văn Sơn cho biết: Trước đây bố của Nguyễn Thanh Sơn cũng làm nghề giết mổ lợn nhưng đã bỏ công việc này từ mấy năm nay do ốm đau bệnh tật, bản thân Sơn (sinh năm 1988) thì làm ăn buôn bán nhỏ lẻ nhưng đến nay cuộc sống vẫn còn khó khăn. Anh Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: Trước đây, tôi có làm nghề này được vài năm nhưng thấy gia đình gặp vận hạn, cả nhà ốm đau bệnh tật liên miên nên đã chuyển sang nghề “chỉ lợn” (chịu trách nhiệm giao dịch với các trang trại đến kỳ xuất chuồng để "làm mối" cho chủ các lò giết mổ ở nội thành về thu mua tại trang trại dưới sự kiểm tra của cơ quan thú y với mức 20.000 đồng/con).

Còn về “lái buôn” lợn chết Nguyễn Mạnh Hùng có địa chỉ tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín được ghi trên danh thiếp, Chủ tịch UBND xã Khánh Hà Nguyễn Văn Long cho biết: Thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà không có ai tên là Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo nhận định của Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Ba Vì Hoàng Văn Đương: Mạng lưới cán bộ thú y đã được bố trí đến tận thôn, bản, làng, xã nên đều nắm chi tiết tình hình chăn nuôi dịch bệnh của từng hộ để có biện pháp phòng chống dịch. Đối với số lợn, gà ở các trang trại chết cơ học do các yếu tố như nắng nóng... thì Trạm đều khuyến cáo người dân xử lý chôn tại chỗ. Theo ông Hoàng Văn Đương, nếu như lợn ốm, chết xét nghiệm đúng là các loại bệnh truyền nhiễm như lở mồm long móng, tai xanh sẽ được hỗ trợ (theo Quyết định 1844/QĐ-UBND TP Hà Nội ban hành ngày 3-5-2012 về quy định sửa đổi mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố) 38.000 đồng/kg lợn hơi. Vì vậy, khi lợn ở các trang trại ốm chết, người chăn nuôi được hỗ trợ tới 70-80% giá trị, nếu bán tháo lợn ốm chỉ được 100-300.000 đồng/kg thì không ai dại gì bán lợn ốm, chết để không được hỗ trợ.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng nhận định: Hiện vẫn còn nhiều chợ cóc, chợ tạm và các lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ tồn tại nên các địa phương, các ngành chức năng vẫn phải tích cực kiểm tra, giám sát để giải quyết triệt để tình trạng tuồn lợn ốm, chết vào thị trường. Trước thông tin này, huyện sẽ tích cực chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Hiện tại, huyện đã quy hoạch đưa toàn bộ các hộ buôn bán lợn ở đây vào Chợ Nủa để bảo đảm vệ sinh ATTP và môi trường.

Đối với xã Thuần Mỹ, ông Phạm Văn Sơn cũng cho biết, sẽ tiến hành tổng rà soát việc buôn bán giết mổ, kinh doanh thu gom gia súc, gia cầm sống trên địa bàn để tuyên truyền, giáo dục và xử lý kịp thời. Nếu phát hiện cơ sở vi phạm sẽ thông báo công khai trên loa truyền thanh xã để nhân dân nắm được và kiên quyết tẩy chay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa phát hiện việc thu mua lợn ốm, chết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.