(HNM) - Để hợp thức hóa, tiến tới kiểm soát hoạt động kinh doanh đặt cược đang diễn ra ngày càng nhiều hiện nay, Bộ Tài chính đang tích cực nghiên cứu xây dựng nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.
Tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 20 vừa qua, tại dự thảo mới đưa ra, cơ quan này đề xuất cho phép một công ty thuộc sở hữu Nhà nước đứng ra tổ chức đặt cược bóng đá quốc tế, với số vốn tối thiểu 500 tỷ đồng. Đối với đua ngựa, cho phép công ty thành lập theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn tổ chức, vốn tối thiểu phải có 1.000 tỷ đồng; tương tự đối với đua chó, vốn công ty trách nhiệm hữu hạn ít nhất là 300 tỷ đồng. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, nếu được ban hành, nghị định trên sẽ góp phần tăng cường quản lý của Nhà nước trên các phương diện về thể chế chính sách, công tác giám sát và xử lý vi phạm. Đồng thời, thu hút khách du lịch, tạo thêm nguồn thu để đầu tư các chương trình phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, đọc từ đầu đến cuối dự thảo, giữa quan điểm của Bộ Tài chính và các điều khoản còn khoảng cách khá xa. Chưa rõ cơ chế, thiếu báo cáo tác động khi ban hành để cơ quan chức năng và người dân có thể đánh giá mặt được của cá cược. Đặc biệt, không thấy vai trò của ngân hàng và các cơ quan liên quan trong giám sát, ngăn chặn rửa tiền. Trong khi đó, theo báo cáo của ngành công an, 10 năm qua, cơ quan chức năng cả nước đã bắt giữ 1.254 vụ tổ chức đặt cược với 8.558 đối tượng; tang vật thu giữ tại chỗ hơn 50 tỷ đồng Việt Nam và hơn 2,5 triệu USD. Mở rộng điều tra, có những đối tượng khai nhận từng tổ chức đặt cược bất hợp pháp dưới hình thức dự đoán kết quả bóng đá, cá cược bóng đá hay nhận cá độ của các con bạc với số tiền lên đến hàng chục triệu USD, chủ yếu là tiền làm ăn phi pháp.
Một điểm bất cập nữa là quy trình, thẩm quyền cấp phép đầu tư, chế độ tài chính, nghĩa vụ thuế, hoạt động quảng cáo, xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động cá cược có liên quan tới nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính... nhưng Bộ Tài chính lại thiếu sự so sánh, đối chiếu, để tránh tối đa tình trạng mâu thuẫn trong áp dụng. Đơn cử, quy định "chỉ cho phép một công ty thuộc sở hữu Nhà nước đứng ra tổ chức đặt cược bóng đá quốc tế, với số vốn tối thiểu 500 tỷ đồng" đã thể hiện rõ vi phạm Luật Doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp, phải có cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh, thị trường mới vận hành lành mạnh. Và chỉ đi theo hướng này mới chống được lợi ích nhóm. Là cơ quan quản lý tài chính, chẳng lẽ Bộ Tài chính lại quên nguyên tắc này?
Kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế là hoạt động nhạy cảm. Dư luận cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, nghị định phải lấy mục tiêu quản lý, tạo ra sân chơi hợp pháp và ngăn chặn tình trạng cá cược bất hợp pháp, chứ không nên khuyến khích toàn xã hội tham gia hay tập trung vào thu hút ngân sách hoặc tạo thế độc quyền cho bất cứ ai, bất cứ đơn vị nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.